Luật đất đai tại Việt Nam đã lỗi thời?

Nhã Trân, phóng viên RFA-Bangkok
2009-03-18

Thời gian gần đây, nhiều dư luận cho là chính sách thu hồi và đền bù đất còn bất cập, gây nhiều phẫn uất cho người dân bị mất đất và hậu quả là hàng ngàn vụ khiếu kiện xảy ra khắp nước.

Photo courtesy Vietnamnet

"Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý"

Để thẩm định chính sách trưng dụng đất và đền bù cho người chủ, Nhã Trân tiếp tục lấy ý kiến của giới luật học về luật đất đai tại Việt Nam qua cuộc phỏng vấn Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Luật Sư Đoàn TP.HCM.

"Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý"

Nhã Trân : Chào LS Bùi Quang Nghiêm. Trước hết, xin hỏi ông là luật pháp của Việt Nam xác định như thế nào về quyền tư hữu đất?

LS Bùi Quang Nghiêm : Ở Việt Nam họ tách nhà với đất ra. Nhà là một trong những tài sản có trên đất, tài sản trên đất. Việt Nam ra luật đất đai lần đầu tiên vào năm 1985, khẳng định rằng "đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước thống nhất quản lý", và có một nguyên tắc là "tôn trọng quyền sử dụng hiện tại của các cá nhân và của các tổ chức".

Nhã Trân : Ông có thể cho biết chi tiết là quy định về quyền sở hữu đât như thế, theo tinh thần luật đất đai của Việt Nam, đã được ban hành vào thời điểm nào và trong hoàn cảnh nào ?

LS Bùi Quang Nghiêm : Sau khi thống nhất đất nước thì năm 1985, tức sau 10 năm, có luật đất đai đầu tiên. Trước năm 1954 ở Miền Bắc, theo tôi biết, là phụ thuộc vào nội dung luật của người Pháp. Người Pháp cũng công nhận là đất đai thuộc sở hữu tư nhân rồi, và ở Miền Nam - dưới chế độ Pháp thuộc hay là trong thời thuộc Mỹ - thì ở Miền Nam luật cũng quy định là đất đai thuộc sở hữu tư nhân, tức là tư nhân cũng có thể sở hữu đất đai trên toàn bộ nước Việt Nam.

Chỉ có Miền Bắc sau năm 1954 và ở Miền Nam sau năm 1975 thì luật đều quy định là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý, và tôn trọng quyền sử dụng hiện tại của các cá nhân hoặc tổ chức mà đang sử dụng đất hay canh tác trên đất đó.

Nhã Trân : Thưa ông, nhiều dư luận gần đây cho rằng quyền sở hữu đất được ấn định theo như luật đất đai của Việt Nam như vậy là nguyên nhân cội rễ của vấn đề tranh chấp đất và vấn đề khiếu kiện của dân oan. Vậy xin hỏi ông, là một luật gia với gần 30 năm hành nghề, quan điểm của ông là quyền này có hợp lý hay là bất cập?

LS Bùi Quang Nghiêm : Cái này thì có rất nhiều ý kiến khác nhau. Quyền sở hữu đất đai theo luật Việt Nam gây ra rất nhiều hệ luỵ cho quản lý cũng như cho người sử dụng đất đai. Nhưng, nói chung thì đã thành luật thì chúng ta phải tôn trọng nó. Tôi đồng ý rằng quyền sở hữu đất đai do luật Việt Nam cũng có yếu tố lịch sử mà nó hình thành ra cái quy định là đất đai thuộc sở hưu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý.

Nhã Trân : Thưa ông, có phải là tại những nước tiến bộ hay là dân chủ thì quyền này không bị giới hạn như thế, có nghĩa là người chủ đất không những có quyền sử dụng đất mà còn có toàn quyền làm chủ đất đai của mình, và trong trường hợp cần trưng dụng đất thì chính phủ phải bồi thường hợp lý và thoả đáng cho người dân ?

LS Bùi Quang Nghiêm : Trên thế giới này họ tôn trọng quyền sở hữu đất đai của người nông dân đang canh tác trên đất như để trồng lúa, trồng hoa màu, làm vườn hoặc là xây nhà trên dó. Đất ở đô thị cũng vậy. Đất đang sử dụng thì đấy thuộc quyền sở hữu tư nhân của người ta.

Có những điều kiện nhất định khi nhà nước lấy lại để xây dựng các công trình phúc lợi cho xã hội thì phải có một chính sách hay là phải có luật quy định rõ ràng về các loại đất để đảm bảo được rằng là nếu đất mà sinh lợi như nhau thì phải được đền bù giá trị như nhau.

Phải mạnh dạn thay đổi luật đất đai

Nhã Trân : Thưa, theo ông thì luật đất đai của Việt Nam có cần phải được xem lại hay không?

LS Bùi Quang Nghiêm : Quyền sở hữu đất đai theo luật Việt Nam gây ra rất nhiều hệ luỵ cho nên là tôi đồng ý cần phải thay đổi luật đất đai, làm sao để đảm bảo cho người đang sử dụng đất, đặc biệt người nông dân, là đất đai thuộc sở hữu của họ. Khi nhà nước muốn lấy lại làm những công trình công ích thì phải có chính sách hay luật phải quy định một cách rõ ràng hơn để bớt đi thiệt hại của những người mà người ta đã sống gắn bó với đất đai vốn là tài sản của người ta đã có trên đất đó.

Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng là phải thay đổi luật đất đai và công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai, bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng nhất không những của nông dân mà còn của giới doanh nhân nữa.

Bây giờ nhà nước nên thừa nhận đất đai là thuộc sở hữu tư nhân. Những cái gì (đất đai) mà người dân đang sử dụng, nông dân đang sử dụng để trồng lúa, đang sử dụng làm vườn, ở thành phố người ta đang sử dụng làm nhà ở trên đó, thì đều thuộc sở hữu tư nhân.

Tôi biết ở Việt Nam thì nó có hoàn cảnh lịch sử của nó. Chính hoàn cảnh lịch sử ấy đã đẻ ra cái luật đất đai 1985 và tồn tại đến bây giờ. Tôi thừa nhận cái đấy là một điều kiện lịch sử, nó đã xảy ra như thế. Nhưng mà bây giờ tình thế đã đổi khác rồi thì chúng ta phải quay lại cái điều hợp lý mà trên thế giới này họ đã làm.

Nhã Trân : Vâng. Và sự cải sửa này có thể sẽ giúp giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện của dân chúng về đất đai lâu nay ?

LS Bùi Quang Nghiêm : Dạ. Vào những năm 1975-1985 quan điểm chính trị của Việt Nam về sở hữu tài sản ở Việt Nam nói riêng và nói chung là ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lúc bấy giờ, cũng như ở Trung Quốc bây giờ, nó cũng có cái đặc thù của nó, tức là quy luật là phải từ sở hữu riêng thành sở hữu chung xã hội chủ nghĩa chứ không thể nào đi ngược đựơc.

Nhưng mà sau khi Việt Nam thay đổi, tức là từ năm 1986 đến nay thì có rất nhiều khái niệm về tài sản và chính trị đã được thay đổi, thí dụ các thành phần kinh tế, rồi sở hữu tư nhân, luật công ty, vân vân, đã thay đổi rồi và nó khác với quan điểm chính thống xét vào thời điểm lịch sử trước năm 1975 cho đến năm 1986. Như vậy cái quan điểm của đảng cộng sản và giới chính trị ở Việt Nam và ở các nước khác nó cũng thay đổi rồi, thì theo tôi, bây giờ chúng ta phải mạnh dạn thay đổi cả cái luật đất đai theo hướng là công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét