TIỀN “TẤU HÀI” MIỄN PHÍ LẦN 2




Lần trước, Quý vị khán giả đã được xem, nghe nói đến màn “Tấu Hài Miễn Phí” diễn ngày 10/9/2008 tại trụ sở Tòa án quận 3 (Địa chỉ: 139 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh). Bây giờ, trước khi “Tấu Hài miễn phí” màn 2 cảnh 2 chuẩn bị “diễn”, mời Quý vị xem trước màn “Tiền Tấu Hài” này:

“Tiền” đây không phải là tiền bạc, mà “tiền” (?) là trước, đối nghịch với “hậu” (?, ?) là sau. Tiền tấu hài là thủ thuật trình diễn trước một tiểu phẩm tấu hài trên sân khấu. Trong nghệ thuật hát bội, hát tuồng, chèo trước khi mở màn hát chính thức thì có chú Tễu nhí nha nhí nhảnh chạy ra trước múa may dẫn truyện gọi là “giáo đầu”. Khác với chú Tễu giáo đầu tuồng làm cho khán giả vui vẻ, tươi cười, thích thú với nội dung tuồng tích được Tễu tóm tắt giới thiệu trước; “Tễu” của Tòa Án Thành phố Hồ Chí Minh làm cho khán giả cười không nổi.

Số là ngày thứ 6 tuần trước, Tòa án Thành phố HCM gởi giấy triệu tập bị cáo Dương Thị Tân do Thẩm phán Trần Xuân Minh ký.

Giấy triệu tập ghi rõ: “Đúng 8 giờ 30 phút ngày 25 tháng 11 năm 2008 có mặt tại Tòa Hình sự - Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh - 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa,Quận 1 (gặp thư ký Thu Thủy). Bị cáo mang theo giấy chứng minh nhân dân. Để được thông báo xét xử”.

Khi chị Tân đến đúng giờ, gặp đúng người thì “Tễu” ta lấy bút ghi thêm vào giấy ngay dòng Để được thông báo xét xử” mấy chữ “vào lúc 7h 30’ ngày 04/11/2008” rồi bảo chị Tân cứ đúng giờ đó ngày đó đến Tòa án để tham dự phiên tòa phúc thẩm. Chị Tân thắc mắc tại sao không tống đạt Quyết định đưa vụ án ra xét xử và Giấy triệu tập bị cáo như phiên xử sơ thẩm thì “Tễu” ta bảo là phúc thẩm thì không cần cái đó.

“Giáo đầu” tiền “tấu hài” lần này quả là dở tệ. Thư ký Tòa án cấp thành phố (mà thành phố to nhất nước nữa à) không biết học hành thi cử thế nào, lại không rành Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự nên không biết các Điều 178, 182, 183, 247, vì vậy mới trả lời thắc mắc của chị Dương Thị Tân trớt he như vậy.

- Không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì lấy gì mà mở phiên tòa, lấy căn cứ nào để triệu tập bị cáo ra Tòa?

- Không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo làm sao biết thành phần Hội đồng xèt xử, đại diện Viện kiểm sát, Thư ký phiên tòa là ai, có mâu thuẫn, thù oán “đâm cha thuốc chú”, “giành ruộng cướp trâu”, “giựt chồng đoạt vợ”… gì với mình không mà đề nghị thay đổi hay không thay đổi các vị ấy cho việc xét xử được công bằng, khách quan như luật quy định?

- Không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì biết xét xử ở địa điểm nào, thời gian nào, bị xét xử tội gì, có đúng tội danh cáo trạng truy tố hay xử tội khác?

- Không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì bị cáo làm sao biết có ai làm Luật sư bào chữa cho mình không, Luật sư do gia đình mời có vừa ý bị cáo không, mà lo trước kiếm thêm hay từ chối ông (bà) Luật sư đó?

- Không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì biết xét xử công khai hay xử kín mà thông báo cho thân nhân, bạn bè, người quen, báo chí đến tham dự?

- Căn cứ khoản 1 Điều 182 BLTTHS, nếu ngày hôm nay (25/11/2008) Tòa án thành phố Hồ Chí Minh giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho chị Tân thì phiên tòa cũng không thể xét xử vào ngày 4/12/2008 được vì Quyết định giao cho bị cáo quá trễ, vi phạm vào điều khoản “Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa”.

Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định thì Tòa án Việt Nam chỉ xét xử với hai hình thức là xử công khai hoặc xử kín, điều này phải được ghi rõ trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Nay Tòa án thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm 2 bị cáo Nguyễn Văn Hải, Dương Thị Tân mà không có Quyết định đưa vụ án ra xét xử nên cả bị cáo lẫn người dân quan tâm đến vụ án không biết Tòa sẽ xử công khai hay xử kín, hay là Tòa án thành phố Hồ Chí Minh muốn xử lén chăng? Xử lén tức là lén lén xử không cho ai hay biết, lấm la lấm lét, “Len lét như rắn mồng năm”. Kiểu xử lén này không được quy định trong bất cứ bộ luật thành văn nào, họa chăng là chỉ có trong miệng những kẻ tự cho phép mình hành xử bằng thứ luật không thành văn, mà dân gian hay gọi là “luật rừng”!


Tạ Phong Tần

. ____________________

Bài liên quan:

Vụ án Điếu Cày: “Trốn thuế” hay “Nạn nhân của mưu đồ chính trị”?

Tôi bị cản trở đến phiên tòa xét xử Điếu Cày như thế nào

Xung quanh phiên tòa trá hình: Nhà cầm quyền đã tự lột mặt nạ của mình

. ___________

Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự:

Điều 178. Nội dung của quyết định đưa vụ án ra xét xử

Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải ghi rõ:

1. Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú của bị cáo;

2. Tội danh và điều khoản của Bộ luật hình sự mà Viện kiểm sát áp dụng đối với hành vi của bị cáo;

3. Ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa;

4. Xử công khai hay xử kín;

5. Họ tên Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án; họ tên Thẩm phán dự khuyết, Hội thẩm dự khuyết, nếu có;

6. Họ tên Kiểm sát viên tham gia phiên toà; họ tên Kiểm sát viên dự khuyết, nếu có;

7. Họ tên người bào chữa, nếu có;

8. Họ tên người phiên dịch, nếu có;

9. Họ tên những người được triệu tập để xét hỏi tại phiên toà;

10. Vật chứng cần đưa ra xem xét tại phiên toà.

Điều 182. Việc giao các quyết định của Tòa án

1. Quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giao cho bị cáo, người đại diện hợp pháp của họ và người bào chữa, chậm nhất là mười ngày trước khi mở phiên tòa.

Điều 183. Triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa

Căn cứ vào quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên tòa.

Điều 247. Thủ tục phiên toà phúc thẩm

Phiên tòa phúc thẩm cũng tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung của kháng cáo hoặc kháng nghị. Khi tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét