TÔI BỊ CẢN TRỞ ĐẾN PHIÊN TÒA XÉT XỬ ĐIẾU CÀY NHƯ THẾ NÀO




Đối diện Văn phòng Luật sư Pháp Quyền sáng ngày 10/9/2008

.

September 14, 2008

.

Ngày 10/9/2008, một ngày bình thường với tất cả mọi người trên thế giới nhưng lại có gì đó rất- không-bình-thường ở xứ sở “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” này, cụ thể là ở Sài Gòn.

.

Ra ngõ gặp “em út”

6 giờ 30 phút, tôi vừa mở cửa dắt xe máy ra ngoài đi làm đã thấy ngay đầu hẽm túc trực sẳn một “em trai” tre trẻ, da ngăm ngăm, mặt vuông bèn bẹt, dáng người có phần thấp (chắc “em” thuộc diện “iu tiên con cháu trong nhà”), mặc áo gió đen có sọc trắng hai bên tay áo. Em ngồi trên xe Future màu xanh lá cây (biển số 51 (ký tự nhìn không rõ) - 1014 bằng nhôm) nhìn lom lom vào từng cử chỉ của tôi trong tư thế “sẳn sàng xuất kích”. Nhìn “em trai” này tôi chợt nhớ đến 2 thằng lưu manh dàn cảnh đụng xe ngày 23/4/2008 bởi nó giống nhau ở chổ xe thì đời mới mà "chơi" bảng số nhôm cũ từ thời Bảo Đại còn cởi truồng tắm mưa. Vừa ra đến ngã ba Hàng Xanh là thấy chuyện lạ thứ hai là có rất nhiều lực lượng áo xanh, áo vàng, thanh niên xung phong gì gì đó đứng đầy đường. Ngay ngã 3 Đinh Tiên Hoàng - Phan Đăng Lưu có mấy chục CSGT áo vàng đứng ngồi lố nhố cạnh Trung tâm văn hóa, có thêm 2 chiếc xe Cảnh sát gắn chóp đèn xanh đỏ đậu trên lề đường trong tư thế sẳn sàng. Dài đài đến tận Văn phòng nơi tôi làm việc sáng nay đều lố nhố đầy các lực lượng xanh đỏ, vàng đủ kiểu như thế cả. Hình như hôm nay là ngày “biểu dương lực lượng” chăng?

“Em trai” áo đen chạy theo tôi đến tận Văn phòng Luật sư bên Gò Vấp, tôi vào trong thì “em” ngồi “đóng đinh” bên ngoài, mắt không rời cái cửa Văn phòng. Nhìn sang, tôi thấy trước mặt Văn phòng hôm nay còn được “tăng cường” thêm một chú Cảnh sát áo xanh nữa.

8 giờ, tôi gọi 1 xe Taxi tới để đi. Taxi vừa chuyển bánh thì “em trai” áo đen cũng chạy theo sau Taxi “bén gót”. Tôi ngồi trong xe nhìn ra thấy giữa rừng xe cộ chạy hỗn loạn trên đường Nguyễn Thái Sơn, “em trai” áo đen vừa cầm lái xe máy vừa liên tục gọi điện thoại di động. Cậu lái Taxi thì cứ vô tư “chen lấn” để chạy cho nhanh, làm “em trai” áo đen cố sức “chen” theo, may mà hổng bị té ngã gãy cổ. Taxi vừa trờ tới ngã 5 Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thì thấy có 3 chú CSGT áo vàng trỏ gậy ra hiệu cho Taxi tấp vào lề rồi. Cậu lái Taxi vừa tấp xe vào vừa lẩm bẩm: “Sao lạ vậy? Có vi phạm gì đâu mà chỉ trỏ?”.

Cậu lái Taxi xuống xe trình giấy tờ. Tôi cũng bước xuống theo, thấy trong nhóm 3 chú áo vàng có 1 chú đeo bảng tên Nguyễn Văn Khải (hay Khởi gì đó, quên rồi), quân hàm hình như là Thiếu tá hay Trung tá (nhớ không rõ). Sở dĩ tôi chú ý chú này vì hiếm khi thấy sĩ quan cấp Tá mà ra “đứng đường” lắm.

Trong khi các chú CSGT đang “mày tao mi tớ” với cậu lái Taxi thì tôi thấy chú Công an trẻ tên Thắng (mà tôi đã kể trong bài Gặp cướp đường) đi bộ băng qua đường xom xom lại chổ tôi. Sau khi chào hỏi và tôi cũng nói rõ là tôi đến Tòa án Quận 3, chú Thắng liên tục lặp đi lặp lại câu: “Chị Tần làm ơn đi về dùm em đi mà, đừng ra đó nữa”. Tôi hỏi lại: “Tại sao chị không ra đó được?”. Thắng nói: “Thì sợ ở đó mất trật tự, không xử được”. Tôi hỏi tiếp: “Bao nhiêu người trong lực lượng Công an thành phố này mà sợ một mình chị à?” thì chú tắc tị không nói được. Lúc này, trời bắt đầu âm u và lất phất mưa. Tôi bỏ xe Taxi đi bộ băng qua qua ngã 5, sang đường một chiều Nguyễn Kiệm. Chú Thắng lật đật đi theo. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, tôi phải tìm chổ núp vì mình mới vừa bớt bệnh, trúng mưa lại thì nguy lắm, bèn chui vào cái quán café cóc bên vĩa hè (đối diện số 43 Nguyễn Kiệm). Chú Thắng cũng vào ngồi theo.

.

Khi người của Công an thành phố lý sự cùn

Dưới đây là câu chuyện giữa tôi và 3 cán bộ Công an Thành phố, gọi là cãi nhau cũng không đúng vì không có sự to tiếng mạt sát, mà gọi là tranh luận cũng không đúng vì chỉ có một bên (là tôi) nói lý lẽ còn bên kia thì cứ cùn ra rồi năn nỉ.

Bỏ qua những câu xã giao thông thường thì nội dung loanh quanh mấy vấn đề như thế này:

- Chị lên đó rồi viết bài lên là kẹt em lắm.

- Chị có làm gì mà “kẹt em”? Có nói gì đến tên em đâu? Em cứ làm những việc đúng pháp luật thôi, những việc người ta ép em làm không đúng pháp luật thì em có quyền từ chối.

- Thôi bữa nay chị với em uống café rồi bàn thêm.

- Có gì đâu mà bàn.

- Nhưng mà ở đó đang xét xử…

- Xét xử là chuyện của mình, người ta đến xem là chuyện của người ta, đâu phải xử kín đâu mà hổng cho người ta xem, xử đúng thì hổng sợ gì hết, thằng nào nó phá rối thì gô cổ nó nhốt vô tù hết cho tao.

- Đồng ý là xử công khai, nhưng “mấy ổng” ngại chị lại đó rồi có lời nó nọ kia này nọ.

- Lời nói làm sao? Ở đó người ta có nội quy phiên tòa, người nào vi phạm thì lập biên bản xử phạt, bắt luôn cũng được.

- Đồng ý là có cảnh sát tư pháp rồi, nhưng mà mấy ổng sợ.

- Chị hỏi em, em trả lời thẳng, bằng lương tâm của một con người chớ không phải là làm nhiệm vụ gì hết, cái việc ngăn đường đón ngõ cản trở người ta đến xem xét xử một phiên tòa công khai có đúng không?

- Cái này nó... nó khác…

- Không, em trả lời thẳng câu hỏi đi.

- Nếu như chị là công dân bình thường đi tới đó thì cái đó không nói, còn chị có mấy lần ra chổ quận 1 rồi nên người ta nghĩ này nọ.

- Bây giờ có gì bất thường, có mất quyền công dân không, nếu không có thì bình thường chớ sao bất thường, bất thường chổ nào?

- Phải chi chị chưa có này kia.

- Chưa này kia là sao? Có tiền án tiền sự không? Mà có tiền án tiền sự thì khi đã chấp hành xong hình phạt thì cũng là công dân bình thường. Sao lại cảntrở người ta đến xem xét xử.

- Tại hồi đó chị có ra chổ quận 1.

- Quận 1 có phải là chổ cấm công dân tới đó không?

- Hổng phải vậy. Chị ra đó rồi chị la lối gì đó thì không tốt.

- Chị nói rồi, ai vi phạm nội quy thì cứ bắt nhốt. Người ta chưa có hành động gì mà cứ nghi ngờ người ta phạm tội, có nghĩa là trong con mắt nhà cầm quyền này mọi người đều là “tội phạm tiềm năng” hết, phải vậy không?

- Cái ấy hổng phải như vậy.

- Làm sao lãnh đạo em biết không bình thường? Có xử phạt lần nào chưa?

- Em gặp chị nhiều lần em biết mà.

- Em đã gặp chị nhiều lần, em biết chị luôn hành xử đúng pháp luật, nếu không thì người ta xử phạt rồi.

- Tại lãnh đạo em lo, phải phòng ngừa, lo trước, vì lực lượng bảo vệ ít.

- Lực lượng bảo vệ là đàn ông hay đàn bà, hay trẻ em, hay thanh niên trai tráng đầy đủ sức khỏe? Bao nhiêu người đó mà lại sợ một người lớn tuổi hay bịnh hoạn như chị sao?

- Bây giờ chị đến đó. Rồi nhiều người đến đó quá nên mấy ổng sợ không tốt.

- Tại sao không tốt? Người ta chưa làm gì đã nghi người ta là tội phạm trước rồi, có phải ý chính quyền này là luôn vu khống, áp đặt không?

- Chị nói nhỏ nhỏ một chút, em cũng lính lác thôi chớ có là cái gì mà chị lớn tiếng với em. Em cũng như chị hồi trước vậy thôi.

- Không, chị chưa bao giờ làm trái pháp luật mặc dù mình cấp dưới người ta, người ta ra lệnh trái pháp luật mình có quyền từ chối.

(Chú Thắng ngưng lại nói điện thoại, 5 phút sau thì ông Hải và một thanh niên trẻ xuất hiện. Thanh niên trẻ này tên Phúc, tôi mới gặp lần đầu. Ông Hải này cũng là “người quen của Anhbasg, Uyên Vũ, Nguyễn Tiến Trung và Điếu Cày. Ở cái tuổi hơn 40 mà gọi là “ông” thì nghe có vẻ hơi già, nhưng gọi “chú” cũng không được, còn gọi “bác” cũng không xong. Trong trường hợp nói với người thứ 3 (tức bạn đọc) thì gọi là “ông” cho đúng phép lịch sự xã hội văn minh vậy).

- Sao không kiến quán café nào ngồi uống cho thoải mái.

- Mục đích hôm nay không phải là uống café, đợi hết mưa là đi.

- Thôi uống cafe cho vui.

- Vui cái gì. Hôm nay có Giấy mời lên CAQ1 mà.

- Mời để làm gì.

- Mời lên uống café thôi hà.

- Vậy sao em không lên?

- Em đâu phải không có tiền uống càfe, có dư tiền trả café cho mình mà còn trả luôn cho mấy ông đó cũng được nữa.

- Em có lên quận 1 không?

- Không, lên bấy nhiêu đó là đủ rồi.

- Anh biết là cái gì anh nói đúng thì em nghe, cái gì anh nói không đúng thì em không nghe, anh cũng không muốn căng thẳng với em làm gì…

- Vậy trong vấn đề anh cản trở đường xá như thế này anh thấy anh đúng chổ nào?

- Không ai cản trở em uống caafe cả. Anh biết em muốn đi tham dự phiên tòa để viết bài, nhưng quên một điều là em không nên đến đó, bài viết của em anh đã đọc rồi, những điều cần nói em đã nói hết trong bài đó rồi, đừng để xảy ra việc đáng tiếc không cần thiết.

- Đi đến đó là việc phải làm. Bảo vệ cái đúng là việc phải làm.

- Anh đề nghị em không nên tiếp tục lên trên đó mà hãy về làm việc đi, đừng gây khó khăn cho anh em.

- Có làm gì gây khó khăn? Tại sao lên đó là gây khó khăn? Anh nói có lý do chính đáng thì em nghe, không co 1lý do chính đáng thì không nghe.

- Vụ ông Hải um sùm từ lâu rồi.

- Um sùm thì sao? Ông Hải có bị bắt không? Có. Có bị xét xử tội “trốn thuế” không? Có. Đó là những thông tin bình thường, có gì không bình thường? Khi nào ổng bị bắt tội này mà người ta xét xử tội khác thì đó mới là không bình thường.

- Bình thường trong cái không bình thường.

- Tại sao không bình thường? Không bình thường chổ nào anh nói đi?

- (Nói lãng sang chuyện khác).

- Không, anh phải nói thẳng vào vấn đề. Anh có công nhận là mọi công dân đều được đến dự phiên tòa xét xử công khai hay không? Nếu phải mà anh bảo em đừng đến đó thì anh phải có lý do chính đáng, và bây giờ anh trình bày lý do của anh đi?

- Anh trình bày với em?

- Ừ. Anh nói lý do A, B, C, D gì đó, nếu chính đáng thì nghe chớ sao lại không nghe.

- Thứ nhất, Nguyễn Văn Hải thì không lạ. Anh không lạ mà em cũng không lạ.

- Không lạ thì không được quyền xem xét xử hả?

- Đừng nên có vấn đề gì mà gây náo loạn…

- Đã có ai gây náo loạn chưa? Nếu chưa thì tại sao lại cho rằng người ta gây náo loạn? Ví dụ bây giờ em nói anh chuẩn bị hiếp dâm có được không?

- Trời, gì kỳ vậy. (Câu này chú Thắng nói)

- Vì anh có mang theo dụng cụ hiếp dâm. Rõ ràng là không thể nói người ta chuẩn bị phạm tội khi người ta chưa có hành động gì.

- Tại chị có mấy lần lên quận 1.

- Quận 1 chổ đó cấm dân lại à?

- Chị hô hào này kia?

- Hô hào cái gì? Nếu xét thấy có hành vi vi phạm sao hổng lập biên bản rồi xử phạt đi.

- Bây giờ ngồi đây uống café thôi, đừng đến đó phá hoại sự tôn nghiêm phiên tòa.

- Tại sao người ta chưa có hành động gì mà tại sao nói người ta phá hoại sự tôn nghiêm của phiên tòa.

- Tại chị có “dớp”.

- “Dớp” là cái gì? Là tiền án tiền sự à? Mà cho dù có tiền án tiền sự thì khi đã xóa án tích hoặc quá 12 tháng từ ngày xử phạt thì cũng trở thành người bình thường, tại sao lại không đến xem xử được?

- Mấy người kia cũng đến, rồi chị cũng đến, rủi có gì…

- Mấy người kia chịu trách nhiệm việc làm của mấy người kia, chị chịu trách nhiệm việc làm của chị, không liên quan đến mấy người kia.

- Ví dụ chị lên trên kia rồi rủi có gì xảy ra rồi sao?

- Pháp luật không có chuyện ví dụ mà phải có hành vi cụ thể xảy ra. Nếu nói thế thì phải đề nghị khởi tố 50% dân số Việt Nam này đều chuẩn bị hiếp dâm hết.

- Chị lên đó nhỡ có gì…

- Không nhỡ gì hết, chị năm nay 40 tuổi rồi, đâu phải con nít đâu mà làm cái gì không biết suy nghĩ.

- Thôi chị bữa nay ở đây chơi vui vẻ đi.

- Con người ở đời phải biết giữ chữ nhân, chữ nghĩa đối với bạn bè, người thân, đồng nghiệp như thế nào. Trong lúc bạn bè, người thân, đồng nghiệp gặp hoạn nạn, hoặc cần sự giúp đỡ của mình mà mình từ chối thì mình có còn là con người không? Không cho người ta làm điều nhân nghĩa có phải là Nhà nước này đẩy công dân vào chổ bất nhân, bất nghĩa hay không?

- Chị đừng có nâng quan điểm như vậy.

- Nếu cản trở bạn bè của ông Hải đến dự phiên tòa xét xử ông Hải thì đó chính là Nhà nước này đang chủ trương cho công dân Việt Nam hãy sống bất nhân bất nghĩa đi.

- Anh em bảo vệ cực khổ rồi, chị lên đó nhiều khi do tâm lý đám đông rồi xảy ra này nọ không hay, rồi phải lập biên bản (nói một thôi dài), em và anh Hải cũng không muốn.

- Cứ căn cứ theo pháp luật mà làm, đừng có hành vi lạm dụng quyền lực, lấy đông hiếp ít, lấy thịt đè người.

- Họ muốn thế nào là chuyện của họ, không thể đem cái ý muốn của họ áp đặt cho người khác mà phải hành xử theo quy định pháp luật. Còn họ chỉ muốn dùng vũ lực áp đặt tức là họ đang “ngồi xổm” trên pháp luật phải không?

- Họ muốn phòng ngừa thôi mà.

- Phòng ngừa cái gì? Không được quyền quy chụp khi người ta chưa có hành vi phạm tội.

- Tại trước kia chị có đi biểu tình nên họ nghĩ…

- Họ có phải là con giun, con sán trong bụng chị đâu mà biết chị đang chuẩn bị làm gì. Nếu họ là con giun,con sán trong bụng người ta thì không kể.

- Nếu vậy ngành tâm lý tội phạm để làm gì?

- A! Ý em nói chị là tội phạm đó phải không?

- Ý em không phải vậy. Em nói ngành đó nghiên cứu có thể biết trước diễn biến…

- Nghiên cứu cái gì kệ nó, mà phải hành xử theo pháp luật. Không thể nói tôi nghĩ anh thế này, tôi nghĩ anh thế nọ thì anh là tội phạm. Ai cho phép nghĩ như thế?

- Nếu chị cứ lên đó là làm khó cho em và anh Hải.

- Tôi đang thực hiện đúng quyền công dân của tôi, sao gọi là làm khó, khó chổ nào?

- Chị không biết, họ chỉ đạo kêu em và anh Hải phải làm vậy. Chị thông cảm, chị không biết cái khó của em, chị thông cảm dùm, chị căng quá thì trên kia họ chỉ đạo nhiều khi kẹt em lắm.

Thấy ngớt mưa, tôi kêu chủ quán tính tiền nhưng ông Hải đã nhanh tay hơn trả tiền trước.

Hai người nói đường này đường một chiều, làm sao mà đi? Tôi trả lời là tôi đi bộ, rồi đứng dậy nói: “Bây giờ erm tiếp tục đi. Còn anh có đi theo là việc của anh, em không cản”. Nói xong tôi đi liền, ông Hải cũng te tái đi theo bén gót.

Đi bộ ngược chiều đường Nguyễn Kiệm hơn 10 phút thì Thắng và Phúc chạy theo kịp, có lẽ do cho xe leo lề hay tránh xe ngược chiều hay sao đó nên chạy chậm. Đến một ngã 3 thì cả Thắng và Phúc dựng xe trên lề rồi ba người cứ đứng quay xung quanh tôi rồi nói miết. Cũng không có gì mới, vẫn là yêu cầu tôi đừng đến phiên tòa xét xử Điếu Cày.

Thấy tôi vẫn cương quyết, ông Hải nói nhiệm vụ của ông hôm nay là phải ngăn cản tôi đến dự phiên tòa, chỉ huy của ông ra lệnh nếu tôi vẫn cứ đi thì gọi Công an phường 15 Gò Vấp đem xe tới chở tôi về phường.

Lúc này, ông Hải đứng cản trước mặt tôi. Tôi nhìn thẳng vào mặt ông nói từ tiếng:

- Anh cản trở làm gì, anh làm vậy không thấy lương tâm cắn rứt à?

- Tại sao cắn rứt.

- Bạn bè gặp nạn mà anh không tới thì lương tâm anh không cắn rứt hay sao?

- Em lên đó có vào được không?

- Được hay không không quan trọng. Không được vẫn cứ đi. Tôi không cần nghe giải thích nữa, nói gì thì nãy giờ cũng nói hết rồi. Tóm lại là các anh cứ kêu xe thùng tới xúc đi, rồi tôi làm tiếp cái đơn tố cáo các anh bắt người trái pháp luật nữa. Rất là vui vẻ.

- Người ta mời em thì em không đi nên người ta mới làm như vậy.

- Mời là phải tỏ ra lịch sự, lễ độ, phải nói là cầu xin nữa. Còn người được mời có chấp nhận lời mời hay không lại là chuyện khác. Mời chưa bao giờ là bắt buộc hết. Trong luật không có kiểu mời đó. Anh giở Từ điển ra mà coi Từ điển giải thích chữ mời như thế nào. Chưa đọc Từ điển thì về đọc lại đi. Hành động như thế mà là mời sao? Đâu có cái kiểu mời nào mất dạy, vô giáo dục như thế!

- Phiên tòa ngày hôm nay có nhiều vấn đề tế nhị, họ không muốn các thành viên CLB NBTD đến đó. Ông Hải nói.

- Tế nhị là sao? Trong luật không có hai chữ “tế nhị”. Tôi còn đầy đủ quyền công dân, tôi còn đủ chân đủ tay thì đi đâu là quyền của tôi, không ai được phép cản trở, cấm đoán.

- Nhiệm vụ của anh hôm nay là ngăn không cho em đến đó, hôm nay xử Nguyễn Văn Hải. Nếu em không nghe thì anh phải kêu Công an phường 15 đến đưa em về.

- Theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo em phải kêu Công an phường 15 đến chở chị về. Chú Thắng nói thêm.

A! Thì ra cái vụ bắt người trái pháp luật ở Công an phường Cầu Ông Lãnh là “phạm tội có bảo kê”. Ngoài mặt thì luôn ra rả trên báo đài là xây dựng Nhà nước pháp quyền, “Sống và phàm việc theo Hiến pháp và pháp luật” nhưng bên trong thì cấp trên đã lệnh cho cấp dưới dùng luật rừng, thảo nào tôi làm đơn tố cáo họ ấm a ấm ớ mà không lòi ra được quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Và cái Giấy mời tôi ngày 9/9, ngày 10/9/2008 đến Công an quận 1 “giải quyết” chỉ là cái bánh vẽ để sách nhiễu tôi một cách trái pháp luật, chớ lãnh đạo Công an quận 1 cũng như Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh không hề có thiện chí giải quyết tố cáo. Có quyền ra lệnh cho cấp dưới “ngồi xổm” lên pháp luật thế này hẳn phải là Giám đốc Công an thành phố, chớ hàng trận cấp Trưởng phòng chẳng bao giờ dám tự ý làm. “Thượng bất chính” như thế, mà đòi hỏi người dân đừng khinh thường mình, tin mình, nghe theo mình… thì rõ ràng là chuyện không tưởng.

Tôi nói gằn từng tiếng;

- Anh nói hết chưa? Nói hết rồi thì em đi tiếp. Nếu anh muốn gọi CAP thì gọi đi, chỉ cho họ là em đang đi trên đường này, chổ này, bảo họ cứ đến mà xúc.

- Anh không muốn làm như vậy, nhưng đây là nhiệm vụ được giao.

- Tại sao không muốn, nhiệm vụ được giao mà sao không muốn? Người ta bảo anh làm mà anh không muốn làm, có phải trong thâm tâm anh biết rõ đó là sai?

Ông Hải im lặng vài giây, rồi từ từ nói:

- Anh không muốn, sao em phải làm căng với anh như vậy.

- Nếu chị lên đó thì anh Hải bị phê bình, em bị phê bình mà thằng này (chỉ Phúc) cũng bị phê bình nữa. Vậy chị nghĩ sao, chị thấy tội cho em với anh Hải không? Chị nghĩ thương em lần này đi.

Cả hai người cứ đứng trước mặt tôi với ánh mắt gần như van xin. Vì họ tiếp xúc với tôi nhiều lần, họ thừa hiểu rằng với tôi, hễ quát tôi là tôi quát lại, có tranh luận mãi vẫn không hơn tôi được vì điều họ đang làm là phi pháp. Mà dùng bạo lực thì e rằng lại càng phô bày hành vi trái pháp luật của họ ra cho người dân quanh đó bu đến xem.

Nhìn đồng hồ, thấy đã hơn 10 giờ, tôi nghĩ phiên tòa có lẽ cũng sắp “hạ màn” rồi, mình có đến đó cũng không kịp giờ nên đồng ý quay lại, vào một quán khác nghỉ chân uống nước.

Lúc này thì họ chỉ còn “kể khổ” hoàn cảnh, thôi thì dù sao họ cũng là “thiên lôi” sai đâu đánh đó, nói nhiều cũng thế thôi. Quán này có hơi bị sang. Tôi có thể gọi bất cứ món gì trong thực đơn mà ăn uống thoải mái miễn sao tôi chịu ngồi im ở đó càng lâu càng tốt. Giá mà tôi có hai ba cái bụng để có thể ăn thêm thì họ cũng không từ chối. Vừa uống ly café sữa tôi vừa nghĩ: nếu cứ bình quân “3 kèm 1” thế này thì hôm nay Công an thành phố phải tốn bao nhiêu cán bộ khi mà ông Nguyễn Văn Hải có bà con, bạn bè tứ xứ đông đảo?

Phải đến hơn 15 giờ cũng ngày và cũng tàn đám mưa họ mới lấy xe đưa tôi về Văn phòng sau khi “kể khổ” và xin lỗi. cám ơn lần nữa.

Túm lại là trong ngày 10/9/2008, cá nhân tôi đã làm “hao tốn” ngân sách gần 450 ngàn đồng bao gồm tiền Taxi, ăn uống hàng quán hai ba chặp, “hao tốn” thêm 3 cán bộ, trong đó có 1 Trung tá Đội trưởng chớ có phải là lính lèng xèng đâu. Đó là chưa kể ông Trung tá CSGT ngoài ngã 5 lúc sáng nữa.

.

Chiều đó về Văn phòng tôi mới nghe mấy đứa nhỏ nói lại: “Hồi sáng có 7 chú Công an đến đây “ốp” anh Luật về phường 7”, nghe mà mắc cười quá. Để lúc nào rảnh phải làm cuộc thống kê mới được.

Một thành viên của X-Café có nick Số Đỏ viết: “Kiếp thật, xử có vụ án ''kinh tế' thôi mà làm gì mà huy động lực lượng dữ vậy, tôi qua đó mà thấy từ góc Nguyễn đình Chiểu-Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến góc NĐC- Cách Mạng Tháng 8 toàn lực lượng áo vàng, áo xanh, và áo xám của trật tự đô thị, ngoài ra còn lượng lượng xe ôm tự nhiên nhiều vô kể...đúng là làm điều dối trá thì luôn luôn phải đề phòng”.

Nick tunafish viết: “Tui cũng thấy rất nhiều nhân viên viên công quyền: các anh áo vàng, các anh áo xanh, các anh áo màu ghi hay vàng nhạt gì đó (có mang phù hiệu 113), có mấy anh mặc đồ civil nữa -mấy anh này cầm điện thoại gọi lien tục.

Các anh trên khóa chốt 2 đầu ngã 4, cách đó mấy độ ngã tư thì đã thấy mấy anh áo màu ghi đứng rồi.

Như vậy lực lượng bảo vệ khá kỹ, nhiều lớp, nhiều tuyến, trong-ngoài đủ kiểu, sao 1 người bị cáo buộc trốn thuế lại được ưu ái đến thế nhỉ?”.

* * *

Cá nhân tôi chưa bao giờ thấy phiên tòa nào xử vụ án kinh tế quèn như vụ “trốn thuế” của Điếu Cày, mức án cao nhất chỉ có 3 năm tù giam mà nhà cầm quyền lại “phô trương lực lượng hùng hậu” với dân chúng như thế. Không biết khi xét xử băng nhóm xã hội đen Nam Cam khét tiếng giang hồ ở Sài Gòn này có “phô trương lực lượng” nhiều như thế không? Tôi nhớ là các tờ báo đều đăng rằng dân chúng thoải mái vào phiên tòa xử Nam Cam và đồng bọn xem trực tiếp hoặc thoải mái vào phòng khác bên ngoài để xem qua màn hình ti vi. Hóa ra Điếu Cày lại “nguy hiểm” hơn cả Năm Cam cơ đấy.

Giá như nhà cầm quyền đem cái lực lượng đã “phô trương” với dân chúng trong ngày 10/9/2008 này ra “phô trương” với lão Hồ Cẩm Đào cho lão Hồ sợ mà trả lại Hoàng Sa, Trường Sa thì có phải là tốt hơn không?

.

Tạ Phong Tần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét