Tham nhũng : tác nhân gây thảm họa nhân đạo tại các nước nghèo





Hàng năm, tổ chức Transparency International công bố bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới tùy theo một chỉ số gọi là CPI (Corruption Perception Index) đo lường mức độ tham nhũng. Trong bảng xếp hạng năm 2008, Việt Nam đứng thứ 121 trên 180 quốc gia.

Bản báo cáo năm 2008 vừa được công bố hôm 23/09/2008 tại Berlin. Trong một thông cáo, bà Huguette Labelle, chủ tịch Transparency International nhấn mạnh là tại các nước nghèo, nạn tham nhũng là một thảm họa về mặt nhân đạo khi nó liên quan đến những khoản tiền dành cho bệnh viện và nước uống.

Chỉ số tham nhũng CPI đi từ 10 đến 0, điểm cao tương ứng với mức độ trong sạch, điểm thấp thể hiện tình trạng tham nhũng. Những nước được xem là trong sạch nhất và đứng đầu bảng xếp hạng là Đan Mạch, Thụy Điển và New Zealand với chỉ số cao nhất là 9,3 điểm, kế đến là Xingapo với 9,2 điểm. Các nước nằm ở cuối bảng xếp hạng, nghĩa là bị xem là tham nhũng nhất có Irak, Somali và Miến Điện.

Liên quan đến Việt Nam, trong bảng xếp hạng năm nay, Việt Nam đứng hàng thứ 121 với chỉ số 2,7 điểm. Thứ hạng Việt Nam như vậy có tiến đôi chút so với năm ngoái. Trong bảng xếp hạng năm 2007, Việt Nam ở hàng thứ 123, với số điểm là 2,6.

Trong bản báo cáo năm nay, Transparency International cũng lưu ý đến trường hợp của một số nước Âu châu, một mặt kêu gọi các nước nghèo phải đấu tranh chống tham nhũng, nhưng mặt khác lại làm ngơ trước trường hợp một số công ty Âu châu tìm cách hối lộ quan chức tại các nước nghèo, hoặc là nhắm mắt trước những khoản tiền không rõ xuất xứ được cất giữ tại các ngân hàng Âu châu.

Do vậy, theo Transparency International, việc đấu tranh chống tham nhũng đòi hỏi, ở các nước giàu cũng như ở các nước nghèo, sự vận hành nghiêm túc của các định chế thuộc chính phủ cũng như thuộc xã hội dân sự.

Đối với Transparency International, là để đầu tranh chống tham nhũng, các quốc gia cần có một hệ thống giám sát vững mạnh thông qua quốc hội, một bộ máy hành pháp hiệu quả, những phương tiện truyền thống độc lập và một xã hội dân sự năng động.

Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét