Tự thực hiện quyền tự do thông tin





Những cuộc biểu tình tuần trước của người Trung Hoa ở Quý Châu đã bị chính quyền Bắc Kinh dùng công an và quân đội dẹp tan. Nhưng một phong trào phản kháng mới bắt đầu, và sẽ còn lan rộng trên toàn cõi Trung Quốc. Ðó là cơn sóng lan tràn trên mạng lưới điện toán Internet với những “blốc” (blogs) tiếp tục thông tin về biến cố này. Các người chủ trương blog (các “blốc gơ” - bloggers) ở Trung Quốc hiện đang phát triển những phương pháp kháng cự, không để cho Bức Tường Lửa của đảng Cộng Sản ngăn chặn mạng lưới thông tin của họ. Ðây là một kinh nghiệm mà các blốc gơ ở Việt Nam đang “học tập” và sẽ mô phỏng rất nhanh. Người dân trong các xứ cộng sản này đang tự thực hiện quyền tự do thông tin, dù chính quyền vẫn cố ngăn cản.

Cuối tuần trước, 30,000 người dân Quý Châu đã biểu tình và bị công an Trung Cộng đàn áp, họ đã đốt phá cả đồn công an, đốt cả xe công an, Bắc Kinh phải cho mấy ngàn binh lính tới dẹp mới yên. Cơn phẫn nộ bùng lên không phải vì dân chúng bị chiếm mất nhà hay mất đất như thường vẫn xẩy ra. Cũng không phải vì họ muốn tranh đấu cho quyền lợi lao động. Lần này, người dân sống hơn nửa thế kỷ trong chế độ Cộng Sản đã nổi dậy để đòi công lý. Họ không đòi quyền được đối xử công bằng cho chính họ, mà để phản đối cách đối xử bất công của đảng cộng sản đối với một thường dân khác.

Câu chuyện bắt đầu khi một giáo viên đến khiếu kiện với ty công an huyện Ung An (Weng'an) trong tỉnh Quý Châu về kết quả cuộc điều tra cái chết mờ ám của cháu gái ông ta. Cô nữ sinh 17 tuổi này đã bị giết sau khi bị cưỡng hiếp, nhưng cuộc điều tra của công an huyện lại kết luận rằng cô gái đã tự tử. Khi người chú quyết liệt khiếu kiện lên cấp trên đòi làm sáng tỏ cái chết oan ức của cháu gái mình, ông bị bọn côn đồ do công an thuê mướn tấn công. Chúng đánh ông đến chết.

Trong chế độ Cộng Sản, người dân thường chịu đựng trước những hành động tàn ác của công an, lâu ngày đã trở thành quen. Chuyện công an giết chết 2 người vô tội là chuyện nhỏ, báo chí không được phép loan tin, mọi người thường bị cấm không được bàn tán. Nhưng người chú của cô gái bị giết lại là một thầy giáo được nhiều học sinh kính mến. Chính các học sinh của ông đã kéo nhau tới ty công an để hỏi cho ra lẽ tại sao một cô bạn và ông thầy của họ bị giết. Ở thời đại nào cũng vậy, chỉ có đám thanh niên đầu óc còn ngây thơ trong trắng và không biết sợ hãi mới dám đứng lên chống lại cường quyền. Ðược đám học sinh dẫn đầu, người dân huyện Ung An đã nổi lên phản kháng. Vì người ta biết thủ phạm vụ cưỡng bức cô nữ sinh là con trai của viên chỉ huy phó công an huyện! Cả bộ máy công an được sử dụng để đổi trắng thay đen, bao che tội lỗi cho công tử con quan lớn! Và bọn họ không nương tay, thuê côn đồ đánh chết người chú của nạn nhân chỉ vì tính ông bướng bỉnh dám khiếu oan đến cùng! Hàng trăm học sinh và giáo viên đã bị bắt.

Cuộc biểu tình giống như nổi loạn của ba chục ngàn dân ở Quý Châu quá lớn, và tội lỗi của bọn công an quá hiển nhiên, cho nên các cơ quan thông tin của đảng Cộng Sản cũng phải loan tin vắn tắt và bênh vực nhà nước. Tân Hoa xã loan báo trong số 150 người bị thương có 100 công an, cảnh sát! Và bao giờ báo chí của đảng cũng tường thuật “công an đã tự kiềm chế, đã bị du đãng tấn công” để sau cùng kết luận rằng “nội vụ đã được giàn xếp tốt đẹp!”

Nhưng những “nhà báo tự do” trên các blogs ở Trung Quốc không chịu im lặng như các tờ báo của nhà nước. Tin tức về những cuộc biểu tình được đưa lên mạng lưới, truyền đi khắp nơi. Thông tin là một nhu cầu tự nhiên của con người, trong thời đại này đó là một nhu cầu cơ bản, không có không được! Theo thống kê của chính phủ Bắc Kinh trong cả nước có hơn 220 triệu người dùng mạng internet, con số lớn thứ nhì thế giới, sau Hoa Kỳ. Các bloggers hiện đóng vai trò truyền bá tin tức “ngoài luồng chính” giúp cho dân Trung Hoa biết đồng bào của họ đang bị áp bức và đang tranh đấu như thế nào.

Tất nhiên, đảng Cộng Sản đã dựng lên những “tường lửa” mà ở Trung Quốc người ta gọi là Trường Thành Lửa, nhằm cắt ngay những bản tin có hại cho uy quyền của đảng. Việc kiểm duyệt mạng lưới này được giao cho chính các công ty phụ trách cung cấp dịch vụ Internet, nhân viên của họ phải viết những nhu liệu dò tìm, hễ thấy những chữ “kiêng kị” là máy tự động cắt ngay. Tất cả những thông tin có những chữ như biểu tình, phản kháng, đòi tự do, nhân quyền, dân chủ, vân vân, đều bị theo dõi. Trong thời gian một tuần qua, bất cứ câu nào truyền qua email hoặc xuất hiện trên các blogs có hai chữ “Ung An,” tên huyện nơi cô nữ sinh bị giết, là máy tự động cắt bỏ ngay.

Nhưng “ở đâu có đàn áp là ở đó có đấu tranh!” Các nhà báo tự do đã “vùng lên” sử dụng quyền tự do thông tin của họ. Ký giả Tam Tiếu (San Xiao) làm việc cho một nhật báo chính thức ở Quý Châu, khi thấy những tin tức mình tường thuật không được đăng tải trung thực và đầy đủ, đã phá rào. Anh đã đưa lên mạng những tin tức mà tờ báo của đảng đã cắt bỏ, những lời tường thuật của dân đi biểu tình và nhiều nguồn tin khác nhau về nguyên nhân cũng như diễn biến của các cuộc biểu tình. Ký giả Tam Tiếu kêu gọi các bạn trên Internet, “Chúng ta có bổn phận truyền bá những tin tức này đi thật rộng, thật sâu!” Anh còn thách thức, “Ðể coi bản tin này được truyền mấy ngày, trước khi bị kiểm duyệt!” Ngày hôm sau, bản tin đó bị kiểm duyệt đục hết!

Ông Chu Thự Quang (Zhou Shuguang), thường dùng bút hiệu Zola trên mạng, đã tới Quý Châu quan sát cảnh dân chúng biểu tình, và gửi ngay những thông điệp ngắn theo lối “tin đi liền” (instant messaging) gửi cho các địa chỉ quen biết. Bản tin ngắn và tốc độ nhanh đến mức hệ thống kiểm duyệt của nhà nước Cộng Sản chưa kịp phản ứng thì tin đã được truyền đi rồi. Ký giả Chu Thự Quang cũng gửi đi cả những đoạn phim và bài phỏng vấn thâu thanh, hỏi trực tiếp các người dân biểu tình, nhưng gửi qua những blog của Hoa kiều hải ngoại.

Những “chiến sĩ thông tin trên mạng” ở Trung Quốc đã tìm ra nhiều cách luồn lách, qua mặt bọn kiểm duyệt của đảng Cộng Sản. Một blogger dùng mạng lưới do công ty kỹ thuật Tianya Online ở đảo Hải Nam cung cấp, đã tìm được những cách gây rắc rối cho guồng máy kiểm duyệt tự động của công ty. Một chiến thuật của blogger dùng Tianya.cn này là sáng tạo một nhu liệu để đảo ngược hàng chữ viết. Người nhận được bản tin phải đọc ngược từ trái sang phải, hoặc từ trên xuống dưới, dưới lên trên. Kỹ thuật này cốt để đánh lừa các máy theo dõi và kiểm duyệt cắt bỏ, thí dụ khi gặp những chữ “kháng phản tình biểu” thì máy không nhận ra đó là “biểu tình phản kháng” để mà tự động đục bỏ. Chính một nhân viên của công ty Tianya (tên Hán Việt là Thiên Nhai - góc chân trời) phụ trách kiểm duyệt tin về vụ biểu tình ở Ung An theo lệnh của đảng Cộng Sản, phải công nhận rằng, “Trong nước có rất nhiều người dùng mạng lưới rất điêu luyện, dù cấm cản thế nào họ cũng tìm cách luồn lách để trốn mạng lưới kiểm duyệt.”

Không phải chỉ có người dân Trung Quốc mới dùng Internet để sử dụng quyền tự do thông tin, phản đối chế độ. Dân Iran lâu nay vẫn làm công việc đó, dân Miến Ðiện gần đây cũng dùng mạng lưới vừa để tổ chức cứu trợ đồng bào họ bị bão lụt, vừa huy động các lực lượng dân chủ chống quân phiệt.

Bởi vì quyền tự do thông tin là một nhu cầu cơ bản của con người sống trong xã hội. Con người vượt lên trên lối sống thú vật từ khi biết dùng ngôn ngữ để truyền đạt tin tức, để hiểu nhau, và cộng tác với nhau. Nhờ biết cộng tác mà con người tiến bộ. Ðạo lý của loài người được phát sinh vì người ta thấy chỉ những người sẵn sàng cộng tác với người khác mới thành công và giúp xã hội cùng thành công. Cách cư xử hay nhất, ích lợi nhất, là chứng tỏ cho mọi người thấy là mình tốt, mọi người tin rằng mình sẵn sàng chia sẻ và cộng tác. Nhiều người có thể đóng vai đạo đức giả làm bộ là mình tốt, nhưng sau cùng phương pháp giản dị và ít tốn kém nhất vẫn là sống sao cho ai cũng thấy mình là người tốt thật! Ðó là nền tảng của đạo nghĩa trong nhân loại. Chính công việc thông tin đã xây dựng và bảo trì nền đạo lý đó, tạo nên văn minh của loài người.

Nhưng thông tin cũng giúp cho loài người tiến bộ cả về kinh tế lẫn xã hội. Chính nhờ có phương tiện thông tin mà khoa học, kỹ thuật đã phát triển. Nhờ thông tin tự do nên xã hội mới bảo vệ được những quyền tự do khác, đặc biệt là tự do chính trị. Kinh nghiệm 200 năm lập quốc của người Mỹ cho thấy những quyền tự do bầu cử, ứng cử, lập đảng, lập hội là những bảo đảm giúp cho cuộc sống chung ngày một phát triển tốt đẹp hơn.

Cho nên chúng ta rất mừng khi thấy người dân Trung Hoa đang tự động phát triển mạng lưới thông tin tự do qua các blog, qua diện thoại di động, qua điện thư, qua Internet. Vì khi người Trung Hoa đã biết sử dụng quyền tự do thông tin của họ thì chế độ cộng sản độc tài sẽ sớm chấm dứt. Chế độ Cộng Sản ở Trung Quốc càng suy yếu thì chế độ Cộng Sản ở Việt Nam sẽ hết chỗ dựa, sẽ phải trả lại các quyền tự do dân chủ cho người dân Việt Nam. Các nhà báo tự do ở Trung Quốc và ở Việt Nam là những chiến sĩ tranh đấu cho tự do dân chủ đáng hoan nghênh. Họ đang tự thực hiện quyền tự do thông tin để đồng bào sẽ có ngày cùng được hưởng.

Ngô Nhân Dụng

Nguồn ở đây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét