LUẬN CỨ BÀO CHỮA CHO TRƯƠNG MINH ĐỨC TẠI PHIÊN TÒA PHÚC THẨM




Trụ sở Tòa án tỉnh Kiên Giang

.

July 18, 2008

.

Lời giới thiệu:

Được sự đồng ý của Luật sư-Thạc sĩ Lê Trần Luật, CL&ST đăng lại bản luận cứ bào chữa cho ông Trương Minh Đức (là người bị Viện Kiểm sát huyện Vĩnh Thuận truy tố theo Điều 258 BLHS về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”). Bản luận cứ này đã được Luật sư Lê Trần Luật trình bày tại phiên tòa phúc thẩm sáng ngày 18/7/2008 tại Tòa Án Nhân Dân tỉnh Kiên Giang.

.

.

Kính thưa HĐXX!

Tôi, Luật sư Lê Trần Luật - thuộc Văn phòng Luật sư Pháp Quyền đã được TAND tỉnh Kiên Giang chấp nhận là người bào chữa cho ông Trương Minh Đức, là người bị Viện Kiểm sát huyện Vĩnh Thuận truy tố theo Điều 258 BLHS về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Sau khi nghe HĐXX thẩm vấn và đại diện Viện kiểm sát tỉnh Kiên Giang trình bày lập luận của mình. Trước khi đưa ra những luận điểm để bào chữa cho ông Trương Minh Đức, tôi thực sự lo lắng liệu khi tôi trình bày những quan điểm trái với quan điểm của Viện kiểm sát hoặc đưa ra những nhận định liên quan đến hiện trạng dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, tôi có bị quy kết vào tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ hay không?

Nếu những luận điểm của tôi được trình bày công khai tại phiên tòa ngày hôm nay không bị quy kết vào tội này thì có thể nói rằng bị cáo Trương Minh Đức cũng như tôi không thể phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”.

Tôi khẳng định lại lần nữa rằng bị cáo Trương Minh Đức không hề phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” và đương nhiên vô tội, bởi các lẽ sau đây:

.

A- VỀ NỘI DUNG VỤ ÁN:

Ông Trương Minh Đức bị bản án sơ thẩm buộc tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

Quyền tự do dân chủ là các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác.

Điều 69 Hiến pháp 1992 (Sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Điều 19 Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền, cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết ngày 24/9/1982 ghi rõ:

“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bầy tỏ quan điểm; kể cả tự do bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và ý kiến bằng bất cứ phương tiện thông tin đại chúng nào và không giới hạn về biên giới”.

Bản án sơ thẩm kết tội bị cáo Trương Minh Đức dựa trên những hành vi sau đây:

1) Hành vi tham gia Đảng Vì Dân:

Theo cáo trạng, Đảng Vì Dân là một tổ chức có trụ sở, có địa chỉ rõ ràng tại Mỹ, có trang web riêng, được phép của Chính phủ Mỹ, hoạt động công khai ở Mỹ. Vì vậy, đây là một tổ chức hợp pháp ở nước ngoài, không phải là “tổ chức bất hợp pháp” như đã cáo buộc. Mặt khác, Nhà nước Việt Nam chưa từng công bố bản danh sách về các các tổ chức bất hợp pháp để cảnh báo cho công dân của mình không được tham gia.

Tôi cũng không tìm thấy bất kỳ điều luật nào trong hệ thống pháp Việt Nam bắt buộc công dân Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam chỉ có con đường tham gia Đảng CSVN mà không được tham gia các đảng phái khác.

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đã từng tham gia nhiều Đảng phái khác nhau ở nước ngoài như: tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội Tua, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa Pháp, Ban Chấp hành Quốc tế Nông dân, Quốc tế Cộng sản, Uỷ viên thường trực Bộ Phương Đông, trực tiếp phụ trách Cục Phương Nam, tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức châu Á, thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) và tổ chức "Cộng sản đoàn" làm nòng cốt cho Hội đó (Tư liệu của báo điện tử Đảng CSVN).

Do đó, việc ông Trương Minh Đức có tham gia Đảng Vì Dân cũng là thực hiện quyền công dân của ông Đức, đó là hành vi hết sức bình thường, không thể coi là hành vi phạm tội, lại càng không thể phạm vào tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ… được. Vì hành vi tham gia Đảng Vì Dân và tội danh này chẳng có mối quan hệ nào cả. Về mặt logic nếu cấp sơ thẩm cho rằng “hành vi tham gia Đảng Vì Dân” là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” nghĩa là cấp sơ thẩm đã thừa nhận “quyền được tham gia các Đảng phái khác ngoài Đảng CSVN. Và nếu như vậy thì lại mâu thuẫn với những nhận định khác của cấp sơ thẩm.

Tôi xin được hỏi vị đại diện VKS trong phiên tòa hôm nay, chắc chắn ông (bà) là một Đảng viên tích cực của Đảng CSVN, vậy hành vi tham gia vào Đảng CSVN có phạm tội không? Nếu VKS buộc tội anh Trương Minh Đức ở hành vi này thì rõ ràng vị đại diện VKS đã tự buộc tội chính mình.

2) Hành vi “viết nhiều bài xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”

Bản án quy kết bị cáo Đức “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” là: “viết nhiều bài xuyên tạc sự thật, nói xấu chế độ, chính quyền và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước”.

Các bài viết của bị cáo bản án liệt kê gồm: Điểm mặt quan tham nhũng ở Kiên Giang, Tòa án của quyền lực cường hào, Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, thanh tra cấu kết với hệ thống Tòa án; Cán bộ Công an huyện Hòn Đất, Kiên Giang…”.

Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm hôm nay, bị cáo đều khẳng định những bài viết của mình là viết đúng sự thật; nhưng cấp sơ thẩm chỉ nêu ra tên những bài viết chung chung, không chỉ ra được bài viết nào là sai sự thật, nếu sai sự thật thì sai ở nội dung nào, không làm rõ được cụ thể bị cáo viết tình tiết, sự việc nào là không đúng, bản chất của tình tiết, sự việc ấy sự thật khách quan đúng sai như thế nào.

Chúng ta đều biết rằng từ năm 1919 đến ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà lãnh đao khác, đã dùng hơn 50 bút danh khi viết sách, báo để viết hàng trăm tác phẩm, tiêu biểu như: Tâm địa thực dân, Bình đẳng, Vực thẳm thuộc địa, Hành hình kiểu Linsơ, một phương diện ít người biết đến của nền văn minh Mỹ, Công cuộc khai hoá giết người, (Xem Lời giới thiệu tác phẩm Hồ Chí Minh Toàn tập -, tập 1, tập 2, NXB CTQG 2000).

Nội dung những bài viết đó tập trung vào các vấn đề mà người Việt Nam đang thiếu là: Tự do báo chí, Tự do du lịch, Tự do dạy và học, Tự do hội họp.

Nếu hiểu như HĐXX sơ thẩm hễ ai vạch ra những sai trái của nhà cầm quyền đều là “xuyên tạc, nói xấu” thì chẳng lẽ lãnh đạo của chúng ta cũng là những người “xuyên tạc, nói xấu” chế độ hay sao?

Mặt khác, những nhà lãnh đạo của Việt Nam đã từng khẳng định Nhà nước CHXHCN Việt Nam không phải là một Nhà nước hoàn toàn tốt đẹp mà cũng còn nhiều khuyết tật, thiếu sót cần phải được hoàn thiện, bổ sung. Việc bị cáo Trương Minh Đức có những bài viết, nói đúng sự thật chỉ ra những sai sót, khuyết tật trong bộ máy Nhà nước cũng là một cách thức để xây dựng bộ máy đó hoàn thiện hơn. Vậy thì dựa trên cơ sở nào để có thể kết tội bị cáo?

3) Hành vi “Rải, dán truyền đơn tại các địa bàn TPHCM vào ngày 29/3/2007 (20/9/2007 là ngày bầu cử QH khóa XII) nhằm mục đích tuyên truyền cho Đảng Vì Dân” và “Tuyên truyền những luận điệu, tư tưởng trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước”:

Vấn để rải truyền đơn ở Việt Nam không mới. Năm 1948, tại Thành phố Sài Gòn, các ông Hồ Hảo Hớn, Huỳnh Tấn Mẫm, Đỗ Ngọc Thạnh, Trang Văn Học… đã nhiều lần rải truyền đơn phản đối chính quyền thời đó (Bài “Những người viết nên huyền thoại” - Website Thành đoàn TPHCM).

Lập luận mà báo chí Việt Nam vẫn lên án chính quyền Việt Nam Cộng Hòa “phản động” bắt bớ, đàn áp những người rải truyền đơn là vi phạm nhân quyền, chế độ không có tự do dân chủ, không có tự do báo chí. Nay bản án sơ thẩm kết tội hành vi rải truyền đơn của ông Trương Minh Đức thì Nhà nước Việt Nam XHCN ngày nay cũng vi phạm nhân quyền, cũng không có tự do dân chủ, không có tự do báo chí giống như chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước đây hay sao?

Tuyên truyền cho Đảng Vì Dân hay thể hiện tư tưởng trái với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước VN thực chất là một dạng khác biệt, bất đồng chính kiến. Mặt khác, đường lối chính sách của Đảng không phải là pháp luật. Tôi không tìm thấy điều luật nào quy định công dân làm trái đường lối chính sách của Đảng được xem là vi phạm. Mặt khác, cấp sơ thẩm cũng không chỉ ra được làm trái là làm trái đường lối nào, chính sách nào?

Luật VN không có điều khoản nào cấm công dân phổ biến, tuyên truyền, quảng bá hay ca ngợi cho một tổ chức, đảng phái khác nếu người đó thích tổ chức, đảng phái đó. Vì vậy, công dân thể hiện, phát biểu những quan điểm trái với đường lối, chính sách của Đảng CSVN và Nhà nước VN cũng là “bình thường”, Nhà nước VN cần “tôn trọng sự khác biệt”, ai không biết “tôn trọng sự khác biệt” mới chính là có hành động làm trái đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Biện pháp giải quyết là tôn trọng, đối thoại mới là đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước VN, chớ không phải là hình sự hóa một hành vi dân sự.

Vì vậy, hai hành vi nêu trên của bị cáo không phải là hành vi phạm tội.

4) Hành vi giúp người khác viết đơn khiếu nại và cho tiền người khiếu nại lúc khó khăn:

Bản án sơ thẩm cáo buộc bị cáo Đức giúp người khác viết đơn khiếu nại và cho tiền người khiếu nại là “Kích động khiếu kiện trái pháp luật”.

Các nhân chứng Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Đoàn Duy Khánh, Bùi Ngọc Mẫn (có mặt tại tòa) và các nhân chứng khác là: Trần Thị Thúy, Dương Thị Thu Vân (có lời khai trong hồ sơ) đều khẳng định bị cáo Đức không kích động khiếu kiện.

Thực tế những người khiếu nại này đều là người dân bị mất đất, mất nhà do việc quy hoạch, giải tỏa, họ cảm thấy việc đền bù không thỏa đáng, thiếu công bằng nên mới khiếu nại. Việc khiếu nại của họ là ý muốn của họ thì không thể nói là “kích động khiếu nại trái pháp luật”.

Cho nên, việc hướng dẫn người khác khiếu kiện nếu người đó thấy quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm thì không phải là “kích động khiếu kiện trái pháp luật” như bản án sơ thẩm cáo buộc.

Đồng thời, Bộ Luật Dân sự VN quy định công dân có quyền định đoạt tài sản của mình, nên việc bị cáo Trương Minh Đức cho tiền ai đó là quyền của bị cáo mà không cần phải có mục đích, không cần phải trình bày với bất cứ cá nhân, tổ chức nào. Ở đây, chỉ có người nhận tiền có lợi, nên không thể đưa tình tiết này vào bản án và quy kết rằng hành vi cho tiền người khác là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.

Nếu giúp người khác viết đơn và cho tiền họ trong lúc khó khăn là vi phạm thì tôi chắc rằng toàn bộ Luật sư Việt Nam đều phạm tội này.

5) Hành vi “nghe đài, xem báo, xem website nước ngoài” và “chỉ cho người khác xem, nghe đài nước ngoài”:

Nghe, xem báo đài nước ngoài hành vi tìm kiếm, tiếp nhận thông tin từ thế giới khách quan đem lại.

Quyền tự do tìm kiếm thông tin là một trong những quy định đương nhiên về quyền con người; do đó, không thể coi việc công dân “nghe đài, xem báo, xem website nước ngoài” và “chỉ cho người khác xem, nghe đài nước ngoài” là hành vi “lợi dụng quyền tự do dân chủ...” và càng không thể đưa vào bản án như một tình tiết cấu thành tội của Điều 258 BLHS.

Trong tố tụng, nếu các văn bản pháp quy đã liệt kê danh sách, các trang web, báo, đài nước ngoài bị cấm xem, cấm nghe thì mới có căn cứ để cho rằng hành vi của ông Trương Minh Đức là vi phạm pháp luật.

Nếu xem báo, nghe đài nước nước ngoài, xem trang web nước ngoài mà cũng bị kết kết tội thì tôi đề nghị VKS hãy khởi tố tôi về tội này luôn vì tôi là người thường xuyên xem báo, xem các trang web nước ngoài.

6) Bản án sơ thẩm không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:

Bản án cáo buộc bị cáo: “tạo ra sự hoài nghi, tâm lý hoang mang, kích động trong quần chúng nhân dân”, “dư luận xấu chế độ Nhà nước XHCN VN” cũng là những quy kết hết sức mơ hồ, không rõ ràng, có tính chất suy diễn theo cảm tính cá nhân của cơ quan tố tụng. Không chứng minh được cụ thể ai hoài nghi, ai hoang mang, biểu hiện hoang mang ra sao, ảnh hưởng gì đến đời sống sinh hoạt bình thường của cá nhân, tổ chức đó? Dư luận xấu như thế nào (viết, nói hoặc phản ánh với cơ quan, tổ chức khác… tại đâu), Nhà nước bị thiệt hại ra sao?

Ví dụ: Vì hành vi của bị cáo mà số người dân định đi bầu cử giảm sút bao nhiêu người, bao nhiêu phần trăm, v.v… tại địa bàn nào…?

Quy kết “xâm phạm nghiêm trọng” cũng là cảm tính, thiếu khách quan, vì từ trước đến nay hệ thống pháp luật VN chưa có một bảng tiêu chuẩn chuẩn nào để phân định rõ các mức độ vi phạm trong lĩnh vực này: xâm phạm nhỏ, xâm phạm nghiêm trọng, xâm phạm rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng; và cũng chưa có cơ quan chức năng nào giám định, kết luận mức độ của hành vi này. Đồng thời, một khi không thể chứng minh được hậu quả của hành vi thì càng không thể đánh giá được mức độ ảnh hưởng xấu của hậu quả.

.

B- VỀ HÌNH THỨC CỦA VỤ ÁN:

Thưa HĐXX, vì cố tình kết tội bị cáo Trương Minh Đức nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã bất chấp những quy định rất cụ thể trong BLTTHS để làm sao quy kết cho được bị cáo Trương Minh Đức phạm tội. Hay nói đúng hơn, họ đã làm mọi cách để đẩy anh Trương Minh Đức ra đến vành móng ngựa hôm nay. Tôi có thể chỉ ra hơn 20 điểm sai phạm trong quá trình điều tra và truy tố anh Trương Minh Đức.

I- Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã có những sai phạm tố tụng như sau:

1) Giữ người trái pháp luật:

- Biên bản bắt lúc 8 giờ 30 ngày 5/5/2007 (BL số 38) nhưng Quyết định tạm giữ số 49/ANĐT ngày 04/5/2007 tính thời gian giữ lúc 19 giờ 45’ ngày 5/5/2007.

Như vậy, ông Đức bị giữ trong khoảng thời gian 10 giờ 15 phút không có lệnh giữ của cơ quan nào cả, việc câu lưu thân thể công dân mà không có lệnh hợp pháp của cơ quan tố tụng là xâm phạm đến “quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân” được quy định tại Điều 6 BLTTHS, đó là hành vi giữ người trái pháp luật, vi phạm điểm b khoản 2 Điều 123 BLHS.

2) Lệnh bắt khẩn cấp, lệnh tạm giữ không được VKS phê chuẩn đúng thời hạn luật định:

- Lệnh bắt KC số 43/ANĐT(P4) ngày 4/5/2007, QĐ tạm giữ số 49/ANĐT ngày 4/5/2007 nhưng 4 ngày sau (ngày 8/5/2007) CQĐT mới có công văn số 52/ANĐT yêu cầu VKS phê chuẩn lệnh bắt KC, ngày 9/5/2007 VKS mới có QĐ số 14/QĐ-VKSTC-V2 phê chuẩn lệnh bắt KC.

Như vậy, việc báo cáo và phê chuẩn đã bị trễ 5 ngày, vi phạm vào khoản 4 Điều 81 và khoản 3 Điều 86 BLTTHS.

3) Vi phạm nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ:

Quyết định phân công điều tra viên điều tra vụ án số 392a/ANĐT ký ngày 10/5/2007 lại “căn cứ” vào Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 54/ANĐT ngày 14/5/2007. Việc căn cứ ngược thời gian này cho thấy CQĐT chưa xác định được có vụ án hình sự hay không đã phân công điều tra vụ án hình sự là vi phạm Điều 10 BLTTHS nguyên tắc khách quan, toàn diện và đầy đủ khi điều tra, xác định sự thật của vụ án.

4) Vụ án không được kiểm sát điều tra đúng quy định:

Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 54/ANĐT ký ngày 14/5/2007, ngày 4/6/2007 VKSTC mới có QĐ số 10/QĐ-V2 “phân công kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án hình sự”.

Như vậy, trong khoảng thời gian 20 ngày vụ án vẫn được cơ quan điều tra tiến hành rất nhiều hoạt động điều tra như: yêu cầu Vũ Đức Đại viết tờ tường trình (18/5/2007), yêu cầu Trương Minh Đức viết tờ tường trình (28/5/2007), lấy lời khai Nguyễn Thị Kim Thanh (23/5/2007), Vũ Đức Đại (23/5/2007), hỏi cung bị can Trương Minh Đức 4 lần (17/5/2007, 18/5/2007, 23/5/2007, 04/6/2007) nhưng lại không có Kiểm sát viên kiểm sát điều tra đúng quy định, vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều 113 BLTTHS.

5) VKS tỉnh Kiên Giang tiếp tục vi phạm Điều 113 BTTHS:

- Quyết định chuyển vụ án số 10/QĐ-VKSTC-V2 của Viện Kiểm sát tối cao ký ngày 22/8/2007, ngày 30/8/2007 VKS Kiên Giang mới có QĐ số 36/KSĐT-KT phân công kiểm sát viên Nguyễn Kim Phương thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án.

Tức là khi vụ án được chuyển cho Cơ quan ANĐT tỉnh Kiên Giang, 8 ngày sau mới có Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra.

6) Xác định tư cách người tham gia tố tụng không đúng gây sức ép tâm lý cho người làm chứng

Biên bản phiên tòa HS sơ thẩm xác định các đương sự Nguyễn Ngọc Diễm, Nguyễn Thị Kim Thanh, Trương Mỹ Hạnh, Đoàn Duy Khánh, Bùi Ngọc Mẫn tư cách tham gia tố tụng là “người có liên quan” là không đúng, những người này không có quyền lợi và cũng không có nghĩa vụ gì phải thực hiện trong bản án này, mà họ là người làm chứng vì họ “biết được những tình tiết liên quan đến vụ án” (Điều 55 BLTTHS). Việc cơ quan tố tụng xác định tư cách tham gia tố tụng không đúng đối với người làm chứng (lại là người trình độ hiểu biết pháp luật hạn chế) có thể gây ra tình trạng người làm chứng bị sức ép về tâm lý, hoang mang, lo sợ, dẫn đến lời khai không đúng sự thật.

7) Biên bản khám xét người, đồ vật, nơi ở ngày 5/5/2007 ghi sơ sài:

Không mô tả tình trạng đồ vật (đang sử dụng hay hư hỏng, đang hoạt động hay đang ngưng hoạt động), nơi phát hiện (khi khám xét đồ vật đang ở vị trí nào trong nhà).

Mẫu biên bản khám xét yêu cầu “Ghi rõ tên, số lượng, trọng lượng, đặc điểm, tình trạng đồ vật và nơi phát hiện; nếu là giấy tờ, tài liệu phải yêu cầu đương sự hoặc đại diện gia đình ký tên xác nhận vào từng trang, nếu là đồ vật, tài liệu cần niêm phong thì phải niêm phong tại chổ và ghi vào biên bản; nếu tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản thì dùng thêm mẫu 03BB; nếu không thu giữ đồ vật, tài liệu gì thì cũng phải ghi rõ vào biên bản”. Tuy nhiên, trong biên bản khám xét ngày 5/5/2007, ĐTV Võ Định Long thu giữ 8 loại đồ vật, tài liệu mà không ghi rõ tình trạng đồ vật, cụ thể là: USB, ổ đĩa cứng, máy ghi âm, băng cassette, đĩa CD, CPU, máy in, điện thoại di động đang được sử dụng (hoạt động) hay không sử dụng; nơi phát hiện tại vị trí nào trong nhà hay ngoài nhà cũng không ghi rõ.

Vì vậy, việc lập biên bản khám xét này đã vi phạm Điều 8 BLTTHS.

8) Ông Lý Anh Quán - Phó Thủ trưởng CQ ANĐT trong thời gian chưa được Thủ trưởng CQ ANĐT ủy nhiệm lại thực hiện nhiều hoạt động tố tụng là các hoạt động tố tụng bất hợp pháp:

Quyết định ủy nhiệm số 55/ANĐT ngày 14/5/2007 do Thủ trưởng CQ ANĐT Hoàng Kông Tư ký ủy nhiệm cho ông Lý Anh Quán - Phó Thủ trưởng CQ ANĐT “được thực hiện nhiệm vụ của Thủ trưởng CQ ANĐT” nhưng lại có giá trị kể từ ngày 08/5/2007.

Việc ủy nhiệm ngược (hồi tố) là bất hợp pháp, Quyết định ủy nhiệm chỉ có giá trị từ ngày ký (14/5/2007) trở về sau. Do đó, quyết định ủy nhiệm này vi phạm khoản 1 Điều 34 BLTTHS.

Vì vậy, các hoạt động tố tụng từ ngày 08/5/2007 đến ngày 13/5/2007 do ông Lý Anh Quán thực hiện đều bất hợp pháp.

Cụ thể ông Lý Anh Quán đã thực hiện các hoạt động tố tụng bất hợp pháp dối với Trương Minh Đức như sau:

8.1- Ký Lệnh bắt khẩn cấp số 43/ANĐT(P4) ngày 4//5/2007;

8.2- Lệnh khám xét khẩn cấp số 44/ANĐT ngày 4/5/2007;

8.3- Ký Quyết định tạm giữ số 49/ANĐT ngày 4/5/2007;

8.4- Ký Công văn số 52/ANĐT ngày 8/5/2007 đề nghị phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp;

8.5- Ký Quyết định gia hạn tạm giữ lần 1 số 50/ANĐT ngày 8/5/2007;

8.6- Ký Công văn số 53/ANĐT ngày 8/5/2007 đề nghị phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần 1;

8.7- Ký Quyết định gia hạn tạm giữ lần 2 số 52/ANĐT ngày 10/5/2007;

8.8- Ký Công văn số 55/ANĐT ngày 10/5/2007 đề nghị phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần 2.

9) Cơ quan ANĐT Bộ CA khám xét, thu giữ đồ vật, tài sản của ông Vũ Đức Đại trái pháp luật:

Toàn bộ hồ sơ vụ án từ đầu đến cuối đều thể hiện nơi ở của Trương Minh Đức cũng là nơi đăng ký NKTT (555 Định Cư, Vĩnh Phước, Vĩnh Tường, Kiên Giang); nhưng Lệnh khám xét KC số 52/ANĐT ngày 18/5/2007 của Cơ quan ANĐT Bộ CA lại khám xét đối với Trương Minh Đức tại địa chỉ 2A4 Đường D1, P25, Bình Thạnh, TPHCM (thực tế là đây là chổ ở của ông Vũ Đức Đại). Như vậy, việc khám xét nơi ở của Vũ Đức Đại đã được thực hiện mà không có Lệnh khám xét khẩn cấp hợp pháp nên đã vi phạm vào Điều 8; khoản 1 Điều 143 BLTTHS.

10) Các Quyết định phê chuẩn của VKSND TC đều trái thẩm quyền, vi phạm khoản 1 Điều 36 BLTTHS nên các hoạt động tố tụng đều bất hợp pháp.

Trong hồ sơ không thấy văn bản ủy quyền nào của Viện trưởng VKSND TC cho Viện phó;

Mặt khác, BLTTHS không quy định Viện trưởng được phép ủy quyền tiến hành tố tụng cho Vụ trưởng, Vụ phó, Kiểm sát viên nên các hoạt động tố tụng đối với Trương Minh Đức do Vụ trưởng Nguyễn Hồng Vinh-KSV, Vụ phó-KSV Nghiêm Quang Xuyên thực hiện đều trái thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 36 BLTTHS.

Cụ thể như sau:

10.1- Quyết định số 14/QĐ-VKSTC-V2 ngày 9/5/2007 phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp (Phó Vụ trưởng-KSV Nghiêm Quang Xuyên ký);

10.2- Quyết định số 20/QĐ-VKSTC-V2 ngày 9/5/2007 phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần 1 (Vụ trưởng -KSV Nguyễn Hồng Vinh ký);

10.3- Quyết định số 21/QĐ-VKSTC-V2 ngày 10/5/2007 phê chuẩn Quyết định gia hạn tạm giữ lần 2 (Phó Vụ trưởng-KSV Nghiêm Quang Xuyên ký);

10.4- Quyết định số 31/VKSTC-V2 ngày 10/5/2007 phê chuẩn Quyết định KTBC (Vụ trưởng -KSV Nguyễn Hồng Vinh ký);

10.5- Quyết định số 19/VKSTC-V2 ngày 15/5/2007 phê chuẩn lệnh tạm giam (Vụ trưởng -KSV Nguyễn Hồng Vinh ký);

10.6- Quyết định số 10/QĐ-V2 ngày 4/6/2007 phân công KSV thực hành quyền công tố và KSĐT vụ án HS (Vụ trưởng -KSV Nguyễn Hồng Vinh ký);

10.7- Quyết định số 10/QĐ-VKSTC-V2 ngày 22/8/2007 chuyển vụ án (Phó Viện trưởng Hoàng Nghĩa Mai ký);

11. Bị cáo không được nói lời sau cùng:

Thưa HĐXX!

Trong vô số những điểm vi phạm tố tụng mà tôi đã nêu trên thì đỉnh điểm của nó là việc Tòa cấp sơ thẩm đã bỏ qua một giai đoạn tố tụng là không cho bị cáo nói lời nói sau cùng. Tôi nghĩ có lẽ cấp sơ thẩm sợ bị cáo Trương Minh Đức tiếp tục nói lên sự bất đồng chính kiến của mình đối với nhà cầm quyền nên đã buộc phải bỏ qua giai đoạn tố tụng này. Bỏ qua một giai đoạn tố tụng là hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng của cấp sơ thẩm.

.

II- Ngoài ra, HĐXX cần phải lưu ý thêm những tình tiết vi phạm tố tụng sau đây:

1- Không có Quyết định chuyển vụ án của VKS tỉnh Kiên Giang cho Cơ quan tố tụng huyện Vĩnh Thuận: VKS tỉnh Kiên Giang vi phạm khoản 4 Điều 166 BLTTHS quy định về thời hạn quyết định truy tố.

2- Không có Quyết định ủy nhiệm của Thủ trưởng CQ ANĐT CA tỉnh KG cho ông Nguyễn Văn Thanh (Phó Thủ trưởng): các hoạt động tố tụng liệt kê dưới đây do ông Nguyễn Văn Thanh thực hiện đều bất hợp pháp vì vi phạm khoản 2 Điều 34 BLTTHS, ông Thanh làm nhiệm vụ của Thủ trưởng CQĐT không có sự ủy nhiệm nào của Thủ trưởng.

- Quyết định 01 ngày 19/12/2007 thay đổi QĐ khởi tố vụ án hình sự;

- Quyết định 01 ngày 19/12/2007 thay đổi QĐ khởi tố bị can;

- Công văn số 253/ĐN-PA24 19/12/2007 đề nghị phê chuẩn QĐ thay đổi QĐ khởi tố bị can;

- Bản kết luận điều tra số 51/KLĐT-PA24 ngày 21/12/2007.

Ngày 31/8/2007 ông Huỳnh Tấn Hưng (Phó Thủ trưởng) ra quyết định số 06 phân công cho ông Nguyễn Văn Thanh (một Phó Thủ trưởng khác) “có nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định tại khoản 2 Điều 34 BLTTHS, tức nhiệm vụ của Thủ trưởng Cơ quan điều tra:

3- Không có QĐ phân công Thẩm phán, HTND xét xử sơ thẩm vụ án HS: HĐXX sơ thẩm không hợp pháp do vi phạm điểm b khoản 1 Điều 38 BLTTHS.

4- Không có Quyết định ủy nhiệm của Viện trưởng VKS tỉnh KG cho Viện phó Bùi Hồng Ảnh:

Do đó, các Quyết định dưới đây do Viện phó Bùi Hồng Ảnh ký đều bất hợp pháp do vi phạm khoản 1 Điều 36 BLTTHS:

- Quyết định số 11/KSĐT-AN ngày 30/8/2007 gia hạn thời hạn điều tra vụ án HS;

- Quyết định số 13/KSĐT-AN ngày 30/8/2007 gia hạn thời hạn tạm giam lần thứ 1;

- Quyết định số 36/KSĐT-KT ngày 30/8/2007 phân công KSV thực hành quyền công tố và KSĐT vụ án hình sự;

- QĐ số 01/KSĐT-AN ngày 19/12/2007 phê chuẩn QĐ thay đổi QĐ khởi tố bị can .

5- Không có Quyết định phê chuẩn QĐ khởi tố vụ án hình sự của Viện trưởng VKSND TC và Quyết định phê chuẩn QĐ thay đổi QĐ khởi tố vụ án HS của Viện trưởng VKSND KG: vi phạm vào điểm a khoản 2 Điều 36 BLTTHS.

6- Không có quyết định phân công KSV Nguyễn Minh Vũ tham gia phiên tòa sơ thẩm: VKSND huyện Vĩnh Thuận đã vi phạm điểm b khoản 1 Đièu 36 BLTTHS.

.

Thưa HĐXX!

Trên đây là toàn bộ quan điểm của tôi để biện hộ cho bị cáo Trương Minh Đức. Tôi mong HĐXX tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi khi tranh luận với VKS. Tôi cũng mong VKS đừng từ chối tranh luận, hoặc im lặng, hoặc bảo lưu ý kiến của mình; mà hãy tranh luận với tôi đến cùng cho từng luận điểm đã đặt ra.

Cuối cùng, tôi mong HĐXX xét xử hãy dũng cảm tuyên bố bị cáo Trương Minh Đức không phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” như cáo buộc của bản án sơ thẩm. Việc tuyên bố bị cáo Trương Minh Đức không phạm tội sẽ mở đường cho tiến trình dân chủ ở Việt Nam được phát triển mạnh mẽ hơn, phù hợp với đường lối của Đảng CSVN là xây dựng một xã hội Việt Nam “công bằng, dân chủ, văn minh” được ghi nhận trong các văn kiện Đại hội Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại nếu tuyên bị cáo không phạm tội. Tôi tin rằng lịch sử mai sau sẽ ghi nhận các vị trong HĐXX hôm nay là những vị Thẩm phán vĩ đại đầu tiên có công mở đường cho sự phát triển một nền dân chủ thực thụ ở Việt Nam.

.

Luật sư LÊ TRẦN LUẬT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét