Nỗi Sợ Hãi Của Người Dân Lào Trước Những Dấu Chân Trung Quốc






By Denis D. Gray (AP)- Sunday 4/6/08

Tin về một khu phố nhà chọc trời của người Trung Hoa sắp được xây dựng ngay tại thủ đô bình lặng của xứ Lào đã gợi lên nỗi lo sợ về việc họ sẽ bị trùm lợp bởi anh khổng lồ phương Bắc


Sự hoảng sợ của người dân Lào đã khiến chính phủ của xứ này tuy rất ít khi giải thích về hành động của mình cho dân chúng hiểu thế mà lần này đã bị bắt buộc phải lên tiếng, với mục đích tạo một cuộc vận động quần chúng chưa từng xảy ra trước đó


Câu chuyện và những lời đồn đại về một "thành phố Trung Hoa" đã là một đề tài nóng bỏng được pha lẫn thêm sự hồi hộp và tức giận của người dân (Lào) khi biết chế độ này đã che dấu cuộc trao đổi (deal) quan trọng như thế trong vòng bí mật



Tình trạng bất bình này xảy ra ngay cả trong giới cán bộ nhà nước, và những tổ chức ngoại quốc hiện đang hoạt động tại Lào đã bị khuyến cáo phải gọi khu phố này là một "dự án phát triển của thành phố mới" chứ không được gọi là "thành phố Trung Hoa"


Phó thủ tướng Somsavat Lengsavat quả quyết cuộc trao đổi này không phải là một mối đe doạ. Ông nói với báo chí Lào: "Đây đâu có phải là một việc bất thường. Hầu như nước nào trên thế giới mà chẳng có một khu phố Trung Hoa, thế thì sao ở Lào lại không nên có?"


Theo cảm tưởng của một hoạ sĩ đăng trên báo nhà nước, thì khu phố này sẽ có một nét phác hoạ như kiểu thành phố Manhattan (New York). Hiện chưa có con số nhất định nào về số người Trung Hoa (TH) sẽ đến cư ngụ ở đó. Theo lời đồn đại thì con số này sẽ là 50 ngàn người TH nhưng phó thủ tướng Somsavat từ chối xác nhận đó có đúng là số người đã được chấp thuận cho cư ngự ở đó hay không.


Trong thành phố với một dân số tổng cộng chỉ có 460 ngàn người thì con số 50 ngàn quả là một yếu tố gây ra những cảm giác bất ổn. Một điều nữa chính là địa điểm : Khu này sẽ được xây dựng ngay trong khu đầm lấy That Luang, một khu vực được thai nghén bởi những biểu tượng quốc gia và cũng là khu vực mang tầm mức quan trọng về sinh thái.


Điều này xảy ra trong thời điểm Trung Quốc đang nhanh chóng trở thành một thế lực ngoại bang số một về kinh tế và chính trị tại Lào. Trong lúc số người di dân đem tiền bạc và những ảnh hưởng của họ tràn vào biên giới Lào thì những khu vực phía Bắc của xứ sở này đanh dần dà mang hình tượng như một tỉnh bang của Trung Quốc.


Vẫn theo ông Somsavat, một công ty của người Trung Hoa đã được hợp đồng thuê mướn với thời hạn 50 năm để biến cải 4000 mẫu Anh ( tương đương với 1.600 hecta) đất trồng lúa gạo thành một thành phố tân tiến, nhằm kích thích thương vụ và đầu tư cho xứ sở nghèo nhất thế giới này.


Somsavat, một người Lào gốc Trung Hoa và cũng là một nhân vật thân cận với Bắc Kinh đã giải thích rằng khi Lào thiếu hụt tiền bạc để xây một vận động trường cho cuộc thi đấu của các nước Đông Nam Á vào năm tới , chính quyền xứ này đã tìm đến China Development Bank. Nhà băng này đã cho một công ty đầu tư của Trung Quốc là Suzhou Industrial Park Investment Co. mượn tiền để xây dựng vận động trường Lào để đổi lấy hợp đồng nêu trên.


Theo báo chí nhà nước Lào, cuộc trao đổi này được ký kết hồi tháng 9 vừa qua, nhưng không hề có một thông báo nào được đưa ra cho công chúng biết rõ. Công ty nói trên, có trụ sở liênlạc ở Suzhou cũng từ chối trả lời những câu hỏi của nhà báo về việc này.



Trong một cuộc họp báo, thị trưởng Vientiane (Vạn tượng) là Sinlavong Khoutphaythoune cho biết đã có 3 công ty Trung Quốc hiện đang tham gia vào dự án này.


Một vài nhà cách mạng lão thành (Lào) đã tỏ ý chỉ trích vấn đề này. Họ là những người đã chiến đấu chống Mỹ và những thế lực khác trong chiến tranh Việt Nam, bây giờ phải chứng kiến cảnh chính phủ Lào mở rộng cửa cho người ngoại quốc tràn ngập xứ sở của mình . Sithong Khamvong, một thành phần trung lưu ở Vientiane cũng là cựu đảng viên CS tâm sự :"Người dân Lào không đủ sức nên họ rất sợ cảnh người Trung Hoa tràn vào sinh sôi nảy nở và biến quốc gia này thành một nơi thuộc về Trung Quốc, nền văn hoá của chúng tôi sẽ vì thế trở thành mai một"


Chưa có tuyên bố chính thức về những điều kiện cho người Trung Hoa được định cư ở khu phố mới này phải như thế nào .Theo ước tính không chính thức, hiện có khoảng 300 ngàn người Trung Hoa hiện đang cư ngụ tại Lào nhưng con số chính xác thì không thể biết chắc là bao nhiêu vì có rất nhiều người trong số họ đã được cấp giấy tờ giả mạo cũng giống như những người Trung Quốc hiện đang định cư ở Miến Điện. Tại xứ này (Miến Điện) khu vực phía Bắc cũng đang dần bị tiêm nhiễm bởi những nét đặc thù của người Trung Hoa.



Nhiều người cũng khó chịu vì địa điểm của khu phố mới này- khi nó nằm gần cả trụ sở quốc hội và gần tháp chùa mái cong That Luang, nơi được xây dựng từ thế kỷ 16; một nơi là biểu tượng quan trọng nhất của chủ quyền quốc gia còn nơi kia là nơi chốn thiêng liêng của Phật giáo.


Khu vực này hiện là khu lẫn lộn cả đầm lầy, cánh đồng lúa và những khu dân cư đang dần dà được đô thị hoá, bất chấp nỗ lực của quốc tế muốn khu vực đầm lầy này phải được bảo tồn.


Một cuộc nghiên cứu thực hiện năm 2003 dưới sự bảo trợ của quỹ Bảo Tồn Thiên Nhiên có trụ sở tại Thuỵ sĩ cho biết khu đầm lầy này là (1) khu chứa lượng nước thặng dư có thể gây ra lụt lội, (2) một bồn chứa nước thải từ cống rãnh cho cả thành phố nơi chưa có một hệ thống thoát nước trung ương, và (3) là nguồn cung cấp cá, rau tươi cho những người nghèo.


Tác giả của công trình nghiên cứu trên cô Pauline Gerrard bày tỏ: "Quan tâm nhất của tôi là việc xây dựng khu phố mới này sẽ có một tác động lên 3 yếu tố trên". Phần phản bác của thị trưởng cho rằng khu đầm lầy này đã bị ô nhiễm và sự phát triển khu vực sẽ giúp cải thiện được môi trường. Có vài bản tường trình cho biết khu vực này đã được lên kế hoạch nhằm thu hút những khách mua thượng lưu và sẽ được bắt chước theo kiểu mẫu của một thành phố Trung Quốc là Suzhou vốn nổi tiếng về những hệ thống kênh đào và trồng trọt.


Nhưng những người ngoại quốc cư ngụ lâu năm ở Vientiane chưa từng thấy giới trung lưu ở đây giận dữ như thế bao giờ. Như Sithong chẳng hạn, ông nói " Ký giả người Lào muốn viết về đề tài này mà không được viết. Chẳng có ai dám phản đối chuyện này ngoại trừ lúc họ ra quán cà phê- gọi là nghị trường cà phê "


Martin Stuart-Fox, tác giả vài cuốn sách viết về Lào đã nói như sau trong một cuộc phỏng vấn từ Úc: "Thế hệ của những người (Lào) lớn tuổi thì biết cách cân bằng những ảnh hưởng của Trung Quốc và Việt Nam, họ cũng biết cách tránh né được sự đè bẹp của những nước láng giềng hùng mạnh. Nhưng thế hệ này đã qua đi, còn bây giờ sự quân bình ấy cũng đã mất rồi "


1 nhận xét:

  1. VN cũng nhòm ngó Lào từ lâu lắm rồi. Chén được của nó rất nhiều gỗ và các loại khoáng sản khác. Nếu thực sự TQ đặt được ảnh hưởng mạnh của nó lên Lào, thì VN mình đi 1 nguồn khai thác lớn. Và sự bành trướng của TQ sẽ ngày càng to lớn hơn. Thật là ghê gớm.

    Trả lờiXóa