Tiễn biệt người đi




Vũ Thư Hiên

Thế là Hoàng Minh Chính không còn nữa. Anh đã đi rồi.

Đành rằng lẽ trời đất là thế, chẳng ai sống quá cái chết của mình, nhưng anh ra đi lúc này vẫn là một sự mất mát lớn. Nó gây ra sự hụt hẫng trong lòng, là nỗi buồn nặng trĩu con tim.

Mới vừa đây thôi, tôi còn nghe được giọng nói (bao giờ cũng sang sảng) của anh về triển vọng (bao giờ cũng đầy lạc quan) của cuộc đấu tranh cho dân chủ. "Thế mà có những kẻ đã vội vã đọc lời ai điếu cho phong trào dân chủ đấy, rằng nó đã xẹp, đã tan tác, mới kỳ chứ - anh cười to – Đàn áp chỉ gây ra phản ứng ngược, làm cho phong trào dân chủ phát triển, trưởng thành hơn. Phong trào dân chủ là hiện tượng tự sinh, là từ nhu cầu xã hội nảy ra, chẳng có gì ngăn cản được, không thể nào tiêu diệt được".

Tôi vẫn nghe giọng nói ấy văng vẳng bên tai, hôm nay, khi anh không còn nữa. Dường như không có sự anh mất đi, dường như anh vẫn còn đấy, bên cạnh chúng ta. Mà anh còn thật. Nỗi sợ hãi sự có mặt của anh ở những người căm ghét anh vẫn còn nguyên đấy khi những người yêu mến anh, kính trọng anh, bị chặn lại từ cửa nhà mình vào lúc họ muốn đến chia tay với anh lần cuối. Ờ, chặn những bước đi thì được đấy, bằng sức mạnh của quyền lực, bằng cả vai u thịt bắp bắp nữa, nhưng làm sao chặn được con tim hướng về người đã khuất?

Tôi có thể không phải khi không gọi anh bằng "cụ", theo lệ thường của sự xưng hô, nhưng tôi không quen, không thể quen. Với tôi, anh bao giờ cũng vẫn trẻ, vẫn cứ là anh, kể từ khi chúng tôi biết nhau. Và trong trí nhớ của tôi, anh còn là anh mãi mãi trong hình ảnh một con người thanh mảnh, gày gò nữa, nhưng cứng rắn, bất khuất, trước bất cứ sức mạnh đe doạ nào, tựa hồ được đúc bằng thép.

Chúng tôi có nhiều kỷ niệm với nhau. Không phải vì chúng tôi cùng quê, cùng một vùng "đất nghịch", theo cách gọi của nhà thơ đồng hương Trần Dần. Làng anh cách làng tôi một con ngòi và hai cánh đồng, Trần Xuân Bách cũng từ đó ra đi khi còn là anh giáo Tuấn. Chúng tôi gần nhau vì sự tương đồng trong số phận. Khởi đầu bằng niềm tin ở chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi cùng rời bỏ nó khi nhìn ra mặt trái của nó vào cùng một thời điểm. Hoàng Minh Chính nhìn ra mặt trái ấy không phải ở nơi nào khác, không phải ở lúc nào khác, mà chính ở Liên Xô, "thành trì của cách mạng vô sản thế giới". Lại không phải ai khác đã giúp anh có cái nhìn ấy, mà chính là những giảng viên ở trường đảng cao cấp Liên Xô ở Moskva. Họ đưa cho anh những cuốn sách cần đọc, nhắc anh những điều cần suy nghĩ. Nhớ về những năm học ở Liên Xô, anh nói: "Thế mới biết không ai hiểu cái bất cập của chủ nghĩa cộng sản bằng những người cộng sản tỉnh ngộ. Họ hiểu nó không phải bằng lý thuyết, mà bằng da thịt cọ sát với nó".

Hoàng Minh Chính chống lại mọi bất công từ trong máu. Như nhiều người cùng thế hệ, anh chọn đảng cộng sản như chọn một vũ khí chống chế độ thực dân, không hơn không kém, vì lòng yêu nước, vì không thể chịu đựng thêm nữa thân phận nô lệ. Mười bảy tuổi, anh đi tù lần đầu tiên, tại nhà ngục Sơn La nổi tiếng. Ra khỏi tù, anh lại lăn vào cuộc chiến đấu giành độc lập. Cuộc kháng chiến chống Pháp vừa thắng lợi thì chế độ chuyên chế liền được thiết lập. Cái đó làm Hoàng Minh Chính nổi giận. Anh liền chống lại nó, chống lại quyết liệt. Anh hiểu rằng anh, và những người giống như anh, đã lầm, nói cách khác, đã bị phản bội. Ba lần tù dưới chế độ do anh góp tay xây dựng không làm anh sờn chí. Cuộc đấu tranh cho dân chủ là lựa chọn của anh, từ đó, không rời. Con người Hoàng Minh Chính là như vậy, đã quyết làm điều gì thì làm đến cùng.

Ở nước ta, và hình như chỉ ở nước ta mà thôi, mới có những người yêu nước cuồng nhiệt, như một thứ bệnh không thể chữa lành, mà tôi tạm đặt cho nó cái tên "ái quốc cuồng". Hồi còn nhỏ tôi nghe mẹ tôi kể: trong phong trào Đông Du, có những người vì kém học vấn đã đi làm phu khuân vác ở bến tàu bên Nhật để lấy tiền nuôi các đồng chí ngồi học trên ghế nhà trường, với hi vọng rồi đây các đồng chí thành tài sẽ trở về giúp nước. Chuyện ấy có thật, về sau có người viết lại, tôi tiếc không nhớ tên những con người tuyệt vời ấy. Tôi chưa được đọc ở đâu trên trái đất này có chuyện tương tự. Hoàng Minh Chính cũng là một trong những người mắc bệnh "ái quốc cuồng".

Anh em dân chủ ở hải ngoại thường gửi thuốc bệnh, thuốc bổ, về cho anh em dân chủ trong nước. Hoàng Minh Chính nhận được bao giờ cũng dành ưu tiên cho anh em trong tù. Người đem thuốc về kể: trong ánh sáng lù mù của căn phòng không bao giờ đủ sáng, Hoàng Minh Chính đeo kính lên, giốc lọ thuốc ra, lấy cán thìa gạt từng viên chia thành những phần không đều nhau cho Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn… , ai có bệnh, sức yếu thì được phần lớn hơn. Tôi ân hận chuyện thuốc gửi về quá ít, mà anh lại nhường hết cho anh em, mới hỏi chị Ngọc, vợ anh Chính, thì chị nói anh cứ bảo mình còn khoẻ chán, thuốc để dành trước hết cho anh em trong tù, sau đến anh em già cả. Đến khi thuốc sắp hết hạn dùng, tiếc của, anh mới dám lấy ra dùng cho mình. Hoàng Minh Chính bao giờ cũng nghĩ đến anh em trước khi nghĩ đến bản thân. Cuối thập niên 80 tôi kiếm được ở Sài Gòn một cái máy chữ Japy mới tinh gửi ra cho Hoàng Minh Chính để anh khỏi phải vất vả viết tay rồi lại đi lòng vòng tìm người nhờ đánh máy. Chưa được bao lâu đã thấy anh nhắn vào hỏi tôi có bằng lòng không nếu anh đem cho Hội cựu chiến binh Hà Nội mới thành lập, hội này không có lấy một cái máy chữ để đánh công văn, tài liệu. Tôi bảo anh cứ làm theo ý anh, cái máy giờ là của anh, anh dùng nó cách nào anh cho là tốt thì anh dùng. Tiếc rằng cái Hội ấy về sau lại chẳng được như anh mong muốn. Nó chống luôn anh, người vun vén cho nó. Anh không lấy thế làm buồn: "Là chuyện kẻ trước người sau thôi mà. Rồi cậu xem, mọi người rồi sẽ dần dà đi vào đường dân chủ hết. Nó là xu thế thời đại cơ mà. Là cái có lợi cho mỗi người, ai mà khước từ nó được chứ".

Tôi nhớ đến một hôm tôi đến thăm anh, thấy anh vui vẻ lạ thường. Thì ra, anh vừa được nghe kể ở một xã nọ người ta họp họ, tay bí thư Đảng vừa khệnh khạng bước vào thì bị quát: "Anh to là to ở chỗ nào kia, chứ ở đây chúng tôi đang họp họ, anh là hàng con cháu, muốn xin dự bàn thì ngồi đàng kia mà nghe ông trưởng tộc đang phân công tu bổ nhà thờ họ ta". Hoàng Minh Chính bảo: "Đảng muốn chỉ tay sai phái từ a đến z, ở đâu anh bí thư cũng phải là người đứng đầu, nhưng ở nơi dân đưa được gia tộc lên trên Đảng thì Đảng hết thiêng. Cũng là thắng lợi đấy. Mình còn yếu, thắng lợi nhỏ cũng mừng". Tôi biết việc khuyến khích dân tìm lại nguồn cội, lập lại gia phả, tìm lại họ hàng ruột thịt là chủ trương của hai anh Trần Độ và Hoàng Minh Chính phổ biến trong anh em nhằm hạ thấp vai trò Đảng, nay đã có kết quả. Cũng vào thời gian ấy, tôi được một anh bạn công an cho đọc một tài liệu mật của ngành anh ta, trong đó viết rõ rằng phong trào lập gia phả, tìm họ hàng là "âm mưu thâm độc của bọn phản động". Anh vui nhiều hơn, còn phấn khởi hơn nữa, khi được gặp những bạn trẻ dấn thân vào cuộc đấu tranh cho dân chủ hoá Việt Nam. Các bạn này sau khi gặp anh nói rằng anh truyền cho họ sức sống, niềm tin vào thắng lợi. Còn anh thì bảo tôi: "Anh em trẻ của chúng ta khá lắm. Gặp họ, tôi thấy mình khoẻ hẳn, cứ như là được uống tiên dược ấy".

Tôi nhớ những cuộc tranh luận với anh. Anh có thói quen nói to, có lúc như quát. Tôi cũng bực mình, anh mà đã nói là nói một thôi một hồi, không chen vào được, không cắt ngang được. Nhưng biết tính anh rồi thì cứ để cho anh nói hết đi đã, mình sẽ nói sau. Lúc ấy anh sẽ im lặng lắng nghe, nghe đến hết, rồi lại lớn giọng phản bác, hoặc cười xoà đồng ý. Trong lũ chúng tôi với nhau, tôi và anh, luôn có những ý kiến đối nghịch, luôn có tranh luận, nhưng bao giờ cũng vậy, chúng tôi chia tay trong thuận hoà.

Đấy là trong anh em với nhau, cả với những người có lập trường chính trị khác anh cũng vậy, anh là như thế - hồn nhiên, yêu người, bao dung, thậm chí còn cả tin nữa. Chứ với những người cầm quyền bảo vệ chế độ độc tài thì không. Có lần một anh công an cấp cao mang quà đến chúc Tết anh, nhưng ngay ở cửa anh ta nhận được lời cảm ơn kèm theo lời mời đi ra – Hoàng Minh Chính không nhận quà, không tiếp. Tôi được nghe kể lại lời phàn nàn của anh này qua một người bạn, rằng bỏ ra ngoài chuyện công vụ, trong lòng anh ta vẫn có sự nể trọng Hoàng Minh Chính và anh ta thật sự muốn được trò chuyện tâm tình với con người nổi tiếng nọ. Trong chuyện này Hoàng Minh Chính có hơi quá đáng, tôi nghĩ, thì cứ tiếp người ta đã, nghe người ta đã, có sao. Nhưng Hoàng Minh Chính không thể khác, anh là như thế, như thế mới là anh. Lạ một cái là con người có tính khí cực đoan ấy lại có trái tim dễ rung động lắm, mềm yếu lắm – Hoàng Minh Chính thường oà khóc khi nghe kể về nỗi oan khuất cay cực của đồng bào, nước mắt lã chã, dỗ không được.

Những xúc cảm mạnh, không bao giờ bị kìm giữ làm cho những kẻ căm ghét anh càng căm ghét anh thêm. Không thể ra mặt hành hạ anh, họ phải nhờ cậy những tên du thủ du thực đến tụ tập trước nhà anh để chửi bới, phá hoại đồ vật, ném sơn, ném cứt và mắm tôm vào cửa. Anh đã nằm xuống rồi mà một tên ma cô Hà Nội chạy được ra nước ngoài sau một án tù buôn lậu còn mồm loa mép giải nhân danh lập trường chống cộng ném bùn lên quan tài anh, gọi anh là "dân chủ cuội".

Đã khép lại rồi, một đời người.

Nếu có một thế giới bên kia, tôi mong có một thế giới như thế, thì ở đó Hoàng Minh Chính sẽ làm gì? Anh sẽ không chịu yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng đâu - hồn ai chứ hồn Hoàng Minh Chính đâu có chịu như thế. Anh sẽ lục xục không yên tìm cách tiếp tục cuộc đấu tranh chưa đến hồi kết thúc. Anh sẽ phải làm một cái gì đó để thúc đẩy tiến trình dân chủ hoá đất nước, để cho con cháu mình, cho đồng bào mình được sống trong tự do.

Thế thì tôi không thể chúc anh yên nghỉ. Tôi chúc anh linh anh phù hộ cho cuộc đấu tranh mà người người lớp lớp đang nối gót anh đấu tranh cho đến thắng lợi. Anh có thể vui thấy trong đó có rất nhiều người trẻ tuổi, hiên ngang và dũng cảm.

Vĩnh biệt anh, người chiến sĩ kiên cường không bao giờ rời trận địa.

1 nhận xét: